Thủ tướng mong Việt Nam thành công xưởng sản xuất của châu Á
VOV.VN - Theo Thủ tướng, Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á
Sáng 19/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, một khát vọng cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam là không chỉ ô tô, xe máy mà có thể Boeing.
Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Dù được xem là "bánh đà" của nền công nghiệp, nhưng tại hội nghị, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu. Cả nước chỉ có trên 3.000 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, trong đó, 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy.
Trong số 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh nghiệp thấp hơn so với nhiều nước và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chưa cao. Tại Nhật Bản, riêng quận Oita, Tokyo đã có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo. Còn tỉnh Kanagawa có tới 60.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, bằng số doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, đơn vị đang thực hiện tốt việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm ô tô lắp ráp, cho rằng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển do hai yếu tố, thứ nhất là thị trường và thứ hai là thiếu doanh nghiệp dẫn dắt.
"Đầu tiên phải là phải có chính sách khuyến khích. Nếu xây dựng nhà mà phải nhập hết, chỉ có cát đá, xi măng thì không được. Trong tất cả các lĩnh vực, ngay cả dây chuyền công nghệ sản xuất trái cây, chúng tôi nghiên cứu thầy rằng, hàm lượng làm được tại Việt Nam trên 60%, nhưng lại hầu như nhập đồng bộ. Trong ngành công nghiệp ô tô, các chính sách kêu gọi hỗ trợ, vừa rồi Bộ Công thương đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm sản xuất trong nước, chính sách này theo tôi là rất tốt và chúng ta phải làm ngay. Nếu làm được thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển từ đang nhập khẩu nguyên chiếc sẽ quay về lắp ráp. Khi đó chúng ta mới có cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ", ông Dương phân tích.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, nếu tính theo cân, cứ một cân nguyên liệu là 2 USD. Từ cân nguyên liệu đó là bông hoặc sơ chuyển sang đến sợi là 3,5 USD, nếu thành vải thì thành 10USD. Còn nếu sang đến may, người ta đưa mẫu còn chúng ta có vải thì đã là 24 USD. Nếu chúng ta tự tạo được mẫu thì đã là 36 USD/kg. Thậm chí nếu làm được thương hiệu thì lên 100USD chỉ từ 2 USD ban đầu. Nhưng do chúng ta không làm được vải, chúng ta chỉ nhận được 5-6USD gia công/kg, do vậy chúng ta phải tập trung vào vải để nâng cao giá trị bền vững và giúp ngành sợi không ứ tắc như bây giờ.
Ông nhấn mạnh: "Nếu có có vải thì việc ký kết các hiệp định như CPTPP mới có ý nghĩa vì họ yêu cầu từ sợi hay vải trở đi".
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp. Cụ thể là dù công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp gần 15% GDP. Con số này thấp hơn mức bình quân 20% của ASEAN, 26% của Thái Lan, 22% của Campuchia hay 36% của Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công nghiệp hỗ trợ trong nước đã đạt những kết quả tích cực, trong đó đã đảm bảo 40-45% tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học. Hay như Samsung hiện nay cũng có trên 30% tỷ lệ nội địa hóa.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, trong đó nước ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, cho nên công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Công tác xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên phát triển mới có 23 giấy xác nhận ưu đãi.
Cho rằng con số này còn quá thấp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát để có chính sách hợp lý hơn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một thực tế là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đó, sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Từ những hạn chế đó, Thủ tướng chỉ đạo: Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành công xưởng sản xuất có thể của châu Á, của thế giới, hay của ASEAN. Cho nên một khát vọng cho nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ ô tô, xe máy mà có thể cả Boeing khi người ta đã sản xuất cánh cửa ở Việt Nam.
"Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp phụ trợ như thế này ở Việt Nam là như thế nào, nhất là trong thời điểm hiện nay. Tôi mong các nhà nghiên cứu, các bộ có chức năng suy nghĩ để Việt Nam thành một công xưởng thực sự trong sản xuất công nghiệp nói chung và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng yêu cầu cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng là nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn Việt Nam trở thành thành công xưởng sản xuất của châu Á |
Nhấn mạnh đến giải pháp trụ cột của công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Không có ai thay chúng ta bằng doanh nghiệp cho nên phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển đất nước nói chung và các đồng chí thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong đó đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo, định hướng đầu tư và công nghiệp hỗ trợ. Đây là một khởi nghiệp quan trọng, không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp thứ hai là nhân lực công nghiệp, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kỷ nguyên số này. Không có cái đó thì khó phát triển. Do đó các địa phương, các bộ, ngành phải tính toán điều này"./.
Công nghiệp hỗ trợ vẫn tập trung ở khối doanh nghiệp FDI
“Bánh đà” của nền công nghiệp Việt Nam còn yếu