Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Malaysia
VOV.VN -Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia thời gian qua.
Chiều 28/4, tại Manila, Philippines, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 được tổ chức từ ngày 28 - 29/4/2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak. |
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Malaysia thời gian qua; nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại; đầu tư; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, hợp tác biển… và phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD vào năm 2020. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước trong việc chống cướp biển để đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực.
Trả lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho người hồi giáo, xem xét tăng số lượng lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực Malaysia có nhu cầu; khuyến khích các doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Malaysia nêu rõ, sẽ đảm bảo quá trình tố tụng, xét xử Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng và đảm bảo các quyền hợp pháp của Đoàn Thị Hương.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí duy trì tham vấn và hợp tác chặt chẽ để xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; nhất trí kiên trì với lập trường chung là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác; phối hợp chặt chẽ để sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có chất lượng và ràng buộc pháp lý./.