Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý

VOV.VN - Thủ tướng cho rằng, mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội.

Sáng nay (21/12) tại Hà Nội, Toà án Nhân dân tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tới 800 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020, triển khai công tác Toà án năm 2021. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành Trung ương.

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm đất nước và Toà án diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, do đó Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã chủ động kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, trong nhiệm kỳ các toà án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết hơn 2,3 triệu vụ việc đạt tỉ lệ 97,6%. Riêng trong năm nay đã thụ lý hơn 602 nghìn vụ việc. Chất lượng giải quyết, xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Về xét xử các vụ án hình sự đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm như vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Phan Văn Anh Vũ, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng...hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội...

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống toà án các cấp, các tổ chức Đảng tại toà án luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, duy trì kỉ luật, kỉ cương, đổi mới chất lượng sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, trong đó thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý được quan tâm, chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp tục được nâng lên cả về trình độ và chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển biệt phái miễn nhiệm được thực hiện đúng quy định....

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác trong hệ thống Tòa án. Thông tin tới toàn thể hội nghị về thành tựu quan trọng của Đất nước trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp. Trong khi dịch Covid-19 khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng, là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 (ước đạt 2,5-3%).

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng nhanh, đạt khoảng 535 tỷ USD; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực, chiếm tỷ trọng 34,5%. Năm 2020, xuất siêu trên 20 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Theo Thủ tướng những thành tựu này có được là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp quan trọng của ngành Tòa án:

Nhận định về công tác Tòa án trong thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao kết quả, thành tích tích cực của Tòa án các cấp trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nổi bật là trong nhiệm kỳ, với phương châm "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; các Tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác. Đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước.

Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh và hầu hết các bị cáo bị xét xử đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục khẩu phục, ăn năn, hối lỗi. Đặc biệt, đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn xét xử, thi hành án khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số mặt còn tồn tại hạn chế trong thời gian qua của Toà án các cấp như tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ hủy, sửa án hành chính vẫn còn cao; một số Tòa án chưa khắc phục triệt để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; chưa khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án... Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu:

Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, Thủ tướng đề nghị các Tòa án cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tìm ra những giải pháp phù hợp, khả thi để khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.”

Thủ tướng nhấn mạnh, năm tới là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời cũng là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; chính vì vậy trọng trách của Toà án nhân dân tối cao là tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác, yêu cầu cải cách tư pháp và những nhiệm vụ mới của nhiệm kỳ là rất lớn, rất nặng nề.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị, Tòa án nhân dân các cấp cần suy nghĩ những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Toà án nói riêng và nền tư pháp nói chung nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới. Tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm, Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của Tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải thượng tôn pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.

Thủ tướng nhấn mạnh, Toà án các cấp cũng cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, nhận khuyết điểm, sửa chữa. Qua công tác xét xử, Tòa án cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát của người dân, cơ quan dân cử và xã hội đối với hoạt động của Toà án. Thủ tướng đề nghị, Cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống Tòa án phải quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từ đó, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững niềm tin của Nhân dân. Chủ động đề xuất để hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin để phòng ngừa tham nhũng; về hoàn thiện pháp luật để xử lý các vi phạm, tội phạm, xử lý tham nhũng theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”:

Cùng với đó, chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án. Qua các bản án, Tòa án cần chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, từ đó, kiến nghị các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục. Bản án xét xử tội phạm tham nhũng phải góp phần kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, qua đó, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.”

Thủ tướng cũng yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt các Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của Nhân dân. Và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới.

Dịp này, Toà án nhân dân tối cao tổ chức lễ kết nối và công bố các dịch vụ công trực tuyến của Toà án nhân dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp theo hướng tiên tiến, hiện đại
Thủ tướng: Tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp theo hướng tiên tiến, hiện đại

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Thủ tướng: Tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp theo hướng tiên tiến, hiện đại

Thủ tướng: Tiếp tục cải cách, đổi mới nền tư pháp theo hướng tiên tiến, hiện đại

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.