Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình
VOV.VN - Sáng 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển Ninh Bình nhanh, bền vững, trở thành Đô thị Di sản, thành phố thông minh và cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Cùng dự có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; là cửa ngõ phía Nam của khu vực miền Bắc, mắt xích trọng yếu giao thoa giữa 03 vùng là Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. Có nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có. Dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ. Là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam.
Năm 2023 kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, kinh tế duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng đã chỉ rõ những tiềm năng lợi thế của tỉnh đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như uy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; Đô thị hóa thấp; Sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu còn khó khăn; Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm.
Thủ tướng đã chỉ rõ về vai trò quan trọng của công tác quy hoạch trong đó nhấn mạnh yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch là luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Làm mới các động lực cũ, khai thác đột phá các nguồn lực mới; Phù hợp với xu thế phát triển, nhất là các xu hướng phát triển mới của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Thủ tướng đã chỉ rõ, mục tiêu tổng quát về quy hoạch tỉnh là đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm về giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa...; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần lập nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần phải lưu ý 05 “bảo đảm” trong triển khai quy hoạch là tính tuân thủ; Tính đồng bộ; Tính liên kết; Tính ổn định, kế thừa, phát triển; Tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình.
Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch; phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường …
Về công tác thông tin, truyền thông về Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu, tỉnh phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng".
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành trung ương tiếp tục phối hợp với tỉnh triển khai Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng triển khai đồng bộ các Quy hoạch tỉnh gắn với đẩy mạnh liên kết vùng; cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không triển khai một cách manh mún, cạnh tranh.
Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu, phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”; Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; theo đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh; Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác ASXH, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và các địa phương: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.
Thủ tướng cho rằng, việc triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, dài hạn, với không ít thuận lợi và khó khăn. Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử - văn hoá, ý chí, khát vọng và lòng tự hào vùng đất Cố đô, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với thành tựu đạt được và tiếp nối đà phát triển những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, động lực mới theo Quy hoạch tỉnh đã công bố; tin tưởng Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản (Cố đô) thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trên thế giới.