Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Bangladesh
VOV.VN - Ngày 7/9, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin.
Tại cuộc gặp , Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Tổng thống Bangladesh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao các thành tựu gần đây của Bangladesh, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới về các sản phẩm may mặc, nỗ lực xanh hóa ngành công nghiệp này.
Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Bangladesh có nền tảng lịch sử tương đồng, cùng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập và sự tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị được vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Trên nền tảng vững chắc đó và sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), quan hệ hai nước đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, trước mắt phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm Bangladesh sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Hai bên khẳng định tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua áp dụng sản xuất xanh, sạch, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, sản xuất giày da; tích cực thúc đẩy doanh nghiệp hai nước kết nối, gia tăng đầu tư; trao đổi, sớm lập đường bay thẳng, tạo thuận lợi về thị thực nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác du lịch; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, quản lý thiên tai, chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Bangladesh đánh giá hợp tác thương mại- đầu tư thời gian qua phát triển ấn tượng, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 4 lần trong vòng 10 năm; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư sang Bangladesh; khẳng định tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh; phối hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh lương thực, trong đó triển khai tốt Bản ghi nhớ về thương mại gạo giai đoạn 2022-2027.
Hai lãnh đạo khẳng định sẽ tích cực hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, đóng góp vào xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.