Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia
VOV.VN - Chiều 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và làm việc về hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghệ cao của Viettel.
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm: các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Những đối tác lớn và quan trọng của Trung tâm như: các tập đoàn công nghệ Viettel, FPT, Google, Meta, Amazon, Hitachi, CMC; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như: Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức,... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.
Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các Viện-trường hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới hiện nay đã phát triển 8 Mạng lưới thành phần tại: Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu và 2 Mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ vệ tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp. Và đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các Đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ; phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp USAID triển khai các hoạt động Phát triển nguồn nhân lực, phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.
Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác, các mô hình ươm tạo, hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và trở thành hạt nhân liên kết, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của các thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước; trở thành đầu mối quốc gia về kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo với nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ, phát triển đất nước bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu slogan của Trung tâm là “hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam”.
Theo Thủ tướng, phải có chính sách để hội tụ trí tuệ, và phải có vốn mồi; có cơ chế ưu tiên về nguồn lực: “Tinh thần chung là hình thành một trung tâm để chúng ta hội tụ và lan tỏa, hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích, trí tuệ ở đây là khắp thế giới không kể biên giới dân tộc màu da giới tính kể tuổi tác; thứ hai là có trí tuệ đổi thì phải ra của các nguồn lực nguồn lực rồi thì phải lan tỏa an toàn, làm sao cho nó hài hòa tiếp tục phát triển. Cái thứ hai là chúng ta có Nghị định 94 rồi, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại nghị định, cách làm thể nào? Việc thứ nhất là chúng ta phải có chính sách để hội tụ trí tuệ, mà hội tụ trí tuệ này cứ để tiếp tục sản sinh ra nguồn lực thì phải có vốn mồi, không có nghĩa là cứ đi xin mãi, có cơ chế để ưu tiên nguồn lực để nó sinh ra nguồn lực, ta hay gọi là đầu tư phát triển, Bộ Tài chính tôi đề nghị phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một cái quỹ.”
Việc phối hợp các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, các trung tâm nghiên cứu sẽ tạo ra hệ sinh thái. Phải có chính sách hỗ trợ các startups bởi họ có trí tuệ và quyết tâm. Thủ tướng đề nghị phải hoàn thiện các khung khổ pháp lý phù hợp tình hình, hoàn cảnh Việt Nam, trước hết là nghị định, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Tiếp đó Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và làm việc về hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghệ cao của Viettel. Với mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội và phát triển đất nước có công nghệ tiệm cận với các nước tiên tiến hàng đầu thế giới, Viettel đã đầu tư nghiên cứu sản xuất công nghệ cao từ năm 2010.
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu sản xuất của Viettel đang tập trung vào 3 lĩnh vực: quân sự, hạ tầng viễn thông, sản phẩm dân sự. Đối với lĩnh vực quân sự, Viettel nghiên cứu phát triển sản phẩm có tính hệ thống, kết hợp sản phẩm/công nghệ đa ngành có thế mạnh. Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho quân đội. Viettel cũng cung cấp những hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo.
Viettel hiện đang đứng vị trí số 1 về pháp nhân Việt Nam đăng ký và được cấp bằng sở hữu công nghiệp. Viettel đã được công nhận 18 sáng chế quốc tế (Mỹ), 80 sáng chế trong nước, 19 giải pháp hữu ích, 12 kiểu dáng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với tầm nhìn “sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”; Viettel là doanh nghiệp luôn coi trọng và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; góp phần hình thành nền công nghiệp viễn thông, bảo đảm an toàn cho công cuộc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cho người dân.
Thủ tướng đề nghị Viettel tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tầm nhìn và sứ mệnh của mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, phải tập trung xây dựng và phát triển, là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; xây dựng, phát triển nền công nghiệp sản xuất thiết bị dân sự, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển; trước mắt phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia với các trụ cột xây dựng Chính phủ số, xã hội số; giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; xây dựng dữ liệu quốc gia; tăng cường an ninh, an toàn viễn thông, an toàn mạng.../.