Thủ tướng: Phát triển đô thị thông minh cần “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực
Chiều 22/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì phối hợp cùng một số bộ, ngành tổ chức.
Đồng chủ trì phiên toàn thể có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và trên 1.200 đại biểu từ nhiều quốc gia, các nhà đầu tư, các nhà khoa học, các hiệp hội doanh nghiệp là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, là cơ sở để phát triển thành công Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN (ASCN) được thành lập năm 2018 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32, xác định các mục tiêu, bao gồm: Nền kinh tế cạnh tranh; môi trường bền vững; và chất lượng cuộc sống cao hơn. Trong đó, Việt Nam có 3 thành phố tham gia Mạng lưới là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020 lần này là sự kiện gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cấp bách.
Do đó, trong khuôn khổ của Diễn đàn lần này, chủ đề được lựa chọn sẽ tập trung vào hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Bản sắc cộng đồng tạo ra niềm tự hào, tự tôn, đoàn kết, cảm giác thân thuộc và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong việc tham gia vào các hoạt động chung.
Thứ hai là phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, để cùng vượt qua những thử thách khó khăn trong cả ngắn hạn như đại dịch Covid-19, cũng như những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc khôi phục phát triển kinh tế hậu Covid-19 hay đối phó với những rủi ro phi truyền thống tương tự đại dịch này.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm sáng tỏ nhiều chân trời tri thức mới, trong đó mở rộng thêm không gian mới phát triển đô thị thông minh.
Điều đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.
Với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển Đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030 trên cơ sở Quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền, nhà quản lý – người dân – nhà đầu tư.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN 2020 vào tháng 7 vừa rồi với các kế hoạch hành động, hiện thực hóa đô thị thông minh, củng cố hợp tác với các đối tác trên tinh thần một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Theo Thủ tướng, để đạt được điều này, phát triển đô thị thông minh, trước hết phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghệ 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Cùng với đó, phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình. Thứ ba, tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
Theo đó, các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.
Cùng với đó là thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn.
Trước các thách thức và cơ hội đan xen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của năm ASEAN 2020, bao gồm củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN. Các ưu tiên này là cơ sở để phát triển thành công Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
Đối với các đô thị của nước ta, Thủ tướng đề nghị ngành xây dựng, các địa phương, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ, cần hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng các thành phố thông minh tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
“Trước hết, chúng ta triển khai sớm hơn các thành phố được Chủ tịch ASEAN lần thứ 32 tại Singapore đã kết luận đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Cùng quá trình đó chúng ta triển khai đồng bộ với một số Thành phố mới như Thành phố phố Huế đã làm tốt vừa qua và nhiều thành phố khác ở phía Bắc và phía Nam. Tôi cũng nhấn mạnh là phát triển đô thị vẫn là kênh tăng trưởng quan trọng của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng chọn hướng này để tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tốt hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, (tỷ lệ đô thị hóa) không chỉ 40% hiện nay mà cao hơn nhiều trong những thập niên đến, nhất là khi chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bên lề Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan Triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh với sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế./.