Thủ tướng thăm làng nghề gốm Chu Đậu
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làng nghề truyền thống, tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu.
Chiều 8/4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hải Dương và đối thoại với nông dân Việt Nam tại Hải Dương vào ngày mai (9/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làng nghề truyền thống gốm Chu Đậu, tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, tại huyện Nam Sách.
Cũng giống như làng gốm Bát Tràng, làng gốm Chu Đậu nổi tiếng có lịch sử phát triển hàng trăm năm.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (tiền thân là Xí nghiệp Gốm Chu Đậu do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thành lập năm 2001, nhằm mục tiêu phục dựng lại dòng gốm cổ Chu Đậu) cho biết, gốm Chu Đậu có từ thế kỷ thứ XI.
Trải qua những giai đoạn thăng trầm, sau khi phát triển mạnh mẽ vào khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ thứ XVII, làng gốm đã có những giai đoạn đi xuống và gần như thất truyền.
Thủ tướng ký tặng Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngoài ra, nhiều sản phẩm tinh hoa văn hóa của gốm Chu Đậu cổ đã được kết tinh trong sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại và được lưu trữ tại 46 Bảo tàng danh tiếng thuộc 32 quốc gia trên thế giới.
Đến nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu đã rất đa dạng về mẫu mã và đã xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên giới. Đầu năm nay, gốm Chu Đậu vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ: “Gốm Chu Đậu - bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.
Phát biểu với lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ khi khai quật được sản phẩm gốm Chu Đậu tại Cù Lao Chàm Quảng Nam, nhiều người đã rất ấn tượng về sự đặc sắc tinh sảo của gốm Chu Đậu. Điều đó thêm khẳng định người dân Việt Nam từ bao đời nay đã có bàn tay lành nghề và làm ra những sản phẩm nổi tiếng và xuất khẩu ra thế giới.
Với sự phát triển của gốm Chu Đậu như hiện nay, Thủ tướng đánh giá lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Hapro và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã phục dựng sản phẩm tinh hoa của gốm Chu Đậu. Đây cũng là sản phẩm được chọn là quà tặng của Thủ tướng với khách quốc tế và được khách quốc tế đánh giá rất cao về những nét hoa văn, họa tiết tinh xảo.
Cho biết, những làng nghề truyền thống như gốm Chu Đậu và Bát Tràng hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, Thủ tướng mong muốn công ty và làng nghề giữ gìn, phát huy cách làm mới để đưa sản phẩm không chỉ đến với thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu. Muốn vậy phải quan tâm đến các nghệ nhân, người lao động có bàn tay vàng để có các sản phẩm chất lượng cao.
Thủ tướng cũng đánh giá cao công ty đã gắn sản xuất với tiêu thụ, là hướng đi đúng mà các đơn vị sản xuất cần phát huy và phát triển với quy mô lớn hơn. Muốn vậy phải có biện pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
“Tại sao chúng ta không trân trọng sản phẩm do người Việt Nam làm, đó có phải là cái đáng quý không, mà phải đi mua từ nơi khác về, trong khi đồ gốm của chúng ta rất đẹp và nổi tiếng. Gắn ý thức tiêu thụ cũng rất quan trọng. Điều này gắn với niềm tự hào của dân tộc. Tôi mong mọi người dân thấy chất lượng sản phẩm tốt, thấy sản phẩm truyền thống lâu đời của dân tộc như vậy, thì càng phải hỗ trợ, tiêu thụ những sản phẩm tốt này để đóng góp vào sự phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Cho biết nhiều làng nghề đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, Thủ tướng mong muốn chính quyền địa phương cần quan tâm để vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa mang lại lợi ích cho người dân, góp phần đưa sản phẩm gốm Chu Đậu đến với thị trường cả nước và đóng góp cho xuất khẩu.
Bày tỏ ấn tượng với câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Gốm Chu Đậu-Tinh hoa văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo địa phương và làng nghề gốm Chu Đậu, những nghệ nhân, những bàn tay vàng của làng nghề tiếp tục phát huy những giá trị quý giá này. Thủ tướng tin tưởng nếu làm được những điều đó thì làng nghề gốm Chu Đậu sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản thăm phố cổ Hội An