Thủ tướng: Thừa Thiên Huế cần định vị những điểm đặc biệt
VOV.VN -Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong phát triển của Thừa Thiên Huế, như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, GDP bình quân đầu người thấp.
Chiều nay, 10/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội. Đặc câu hỏi Thừa Thiên Huế cần định vị những điểm điểm đặc biệt gì làm Huế cuốn hút và hấp dẫn, Thủ tướng cho rằng, tỉnh phải có một chương trình để thúc đẩy vấn đề này.
Thủ tướng đánh giá cao ý tưởng sử dụng bình nước thuỷ tinh thay thế chai nhựa và phong trào Chủ nhật Xanh của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 5 tháng đầu năm, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 6,87% so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra là tăng từ mức 7,5 đến 8%. Tổng thu ngân sách tỉnh ước đạt gần 3.240 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt hơn 3.050 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực du lịch, 5 tháng đầu năm, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.930 tỷ đồng, tăng 1,7%.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã báo cáo tiến độ việc hỗ trợ kinh phí di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế với tổng mức đầu tư gần 4.100 tỷ đồng để di dời hơn 4.200 hộ. Khó khăn hiện nay của tỉnh đó là thiếu kinh phí để triển khai.
Sau khi các bộ, ngành phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận buổi làm việc. Thủ tướng biểu dương tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phát động phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, để Huế xanh và sạch hơn, xứng đáng là trung tâm du lịch quốc gia. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện sâu rộng đến các tổ chức và người dân.
Về kinh tế xã hội, Thủ tướng đánh giá cao kinh tế xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện 10 năm qua. Theo đó, thu ngân sách, xuất khẩu hàng hóa, cải cách hành chính (tăng 7 bậc, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành) đều được cải thiện. Thủ tướng đánh giá cao Thừa Thiên Huế là địa phương có chênh lệch giàu-nghèo thuộc nhóm thấp nhất cả nước, tăng trưởng ổn định ở cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện, quan tâm bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Tỉnh cũng là địa phương ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các dịch vụ công. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên - Huế cũng vừa đoạt giải “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”.
Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của tỉnh trong việc di dời dân trong khu Đại Nội ra khỏi khu vực. Đây là vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm chưa thực hiện được, khiến đời sống người dân khó khăn và gây ảnh hưởng lớn đến di sản.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong phát triển của Thừa Thiên Huế, như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, GDP bình quân đầu người thấp nhất trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh chưa xuất hiện những động lực tăng trưởng mới và 5 tháng qua tăng trưởng chưa đạt mục tiêu. Tỉnh còn đang thiếu vắng những doanh nghiệp lớn để tạo động lực phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và quy mô nhỏ.
Thủ tướng đặt vấn đề, dù là địa phương đi đầu trong trong cải cách hành chính (tăng 7 bậc) nhưng Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công lại giảm 6 bậc, đứng thứ 43/63; Chỉ số PCI năm 2018 đứng thứ 30, giảm một bậc. Thủ tướng lưu ý các thủ tục hành chính trong kinh doanh có thể là một nguyên nhân của tình trạng này. Do đó, tỉnh cần xem xét các vấn đề về tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng cùng nhiều yếu tố khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Về những định hướng phát triển tỉnh thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Huế có lợi thế là hệ sinh thái đa dạng, tài nguyên và di sản đặc sắc. Do đó tỉnh phải nỗ lực dựa vào các thế mạnh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu của giai đoạn 2020-2025.
“Phải xây dựng Huế là trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước, là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của cả vùng. Cho nên tầm nhìn và phát triển của Huế là dài hạn, kể cả di dời, quy hoạch phát triển, phòng chống thiên tai. Quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh là tích cực, nhưng cần tiên phong sử dụng các thước đo khác như cơ cấu giá trị kinh tế dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, mức tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ. Huế là một trung tâm trí tuệ của Việt Nam, cần đi đầu trong vận dụng vốn tri thức phục vụ phát triển, học đi đôi với hành. Đây là thước đo mới, tư duy mới về cơ cấu kinh tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng lưu ý, mô hình tăng trưởng của tỉnh cần tối ưu hóa các lợi thế của địa phương và các liên kết trong phát triển, nhất là liên kết du lịch, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu trong tương lai...
Đi liền với đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển mới; sử dụng đất đai hợp lý để có thành phố lớn trực thuộc Trung ương, một thành phố xanh, hiền hòa với sông Hương – núi Ngự là điểm nhấn. Phải gắn việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa với nâng cao đời sống của nhân dân; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và kinh tế xã hội.
Từ yêu cầu đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, phát động các phong trào thúc đẩy phát triển du lịch như Huế không có rác, người dân phải biết tiếng Anh...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị Khóa X (ban hành năm 2009) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và Thông báo số 175/2014 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 48, trình Bộ Chính trị trong quý 3/2019.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến về các kiến nghị của tỉnh, trong đó có việc tạo cơ chế hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện di dời dân cư ra khỏi khu Đại Nội và tái định cư. Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn để giúp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị khác của tỉnh trong việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025; điều chỉnh cục bộ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.../.
Lần đầu bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Nội chính Thừa Thiên Huế qua thi tuyển
Thừa Thiên Huế: Công bố bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành