Thủ tướng: TP.HCM không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị hành phố đi đầu trong việc tạo ra cơ chế, chính sách đột phá để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bởi Thành phố không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp.

Sáng nay, 15/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI. Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Dự Đại hội còn có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 444 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 240 nghìn đảng viên thuộc Đảng bộ Thành phố.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 4 chương trình phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là điểm nổi trội, đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới sáng tạo, tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thành phố. Phóng viên Vũ Dũng phản ánh:

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố là một địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước. Ba năm qua Thành phố đã chủ động đề xuất và xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để tạo động lực mới cho thành phố phát triển. Tháng 10/2017, Quốc hội đã có Nghị quyết số 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2020 Quốc hội sẽ xem xét đề án Chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị sáng tạo tương tác cao, động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo báo cáo chính trị tại Đại hội, 5 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ được vai trò trung tâm kinh tế đầu tàu của đất nước. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 ước đạt 6,41%. Tỷ trọng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 22,2% kinh tế cả nước, đóng góp 27% ngân sách Trung ương. Thành phố là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là cái nôi khởi nghiệp của cả nước với tỷ trọng khoảng 55%. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 6.300 USD/năm và không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thành phố. 

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng và thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển thành phố. Ba chương trình đột phá gồm: đột phá đổi mới quản lý Thành phố, đột phá phát triển hạ tầng; đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Một chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực.

Cần giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

Phát biểu chỉ đạo Đại Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đưa Thành phố phát triển, đóng góp quan trọng và thành tựu chung cả nước.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên một số tồn tại, trong đó tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Vị thế đặc biệt quan trọng của thành phố, mức độ vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần. Động lực tăng trưởng mới của thành phố còn nằm trên định hướng, chưa định hình rõ nét. Tính tiên phong, sức chiến đấu năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên còn hạn chế, đặc biệt trong việc tháo gỡ các nút thắt vướng mắc khiến thị trường không thể phát huy hết vai trò. 

Trước những thách thức, cơ hội của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đánh giá cao mục tiêu, định hướng phát triển Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: "Đó là xây dựng Thành phố thông minh phát triển nhanh, bền vững; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề những cũng rất vẻ vang với Thành phố. Với tiềm năng, lợi thế không nơi nào có được như nguồn nhân lực chất lượng cao, sự tiên phong về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển và giàu tiềm năng; lợi thế trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, nhất là công nghiệp, dịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch và đô thị thông minh, Thủ tướng tin tưởng các mục tiêu này có tính khả thi cao, hoàn toàn có khả năng đạt được. Đặc biệt với tinh thần cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước và sự nỗ lực phấn đấu, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh".

Thủ tướng cũng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng 4 chương trình phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là điểm nổi trội, đặc biệt nhất, thể hiện sự đổi mới sáng tạo, tinh thần quyết tâm cao, ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thành phố, đưa Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo với đẳng cấp khu vực quốc tế trong tương lai. 

"Thứ nhất là nắm bắt vận hội thời cơ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc biệt và sự năng động sáng tạo quyết tâm cao của Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố để hiện thực hóa khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ của thành phố. Các đồng chí cần nhận thức sâu sắc đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng tiên phong của thành phố để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước trên cơ sở thực hiện tốt vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; sớm khắc phục những hạn chế bất cập, tiếp tục phát triển với chất lượng tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025"- Thủ tướng nêu rõ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cần đặc biệt lưu ý xác lập vai trò “hạt nhân” phát triển của Thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Đông Nam Bộ, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm kết nối hiệu quả, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế

Thành phố cần đi tiên phong trong giải quyết các bài toán phát triển đặt ra đối với đất nước và các địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, huy động sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Trong đó, cần khai thác hiệu quả thế mạnh của một trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo quốc gia để nắm chắc thời cơ; không ngừng đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để đi đầu trong lĩnh vực mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy mô hình, phương thức kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế bằng đêm…

 

Thủ tướng cũng đề nghị hành phố đi đầu trong việc tạo ra cơ chế, chính sách đột phá để huy động phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bởi Thành phố không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp.

"Còn các cơ chế mà trong báo cáo chính trị đã nêu như chính quyền đô thị, phát triển Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; dự án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ủng hộ. Còn các cơ chế gì nữa thì các đồng chí nghiên cứu đề nghị tiếp, Trung ương lắng nghe và giải quyết kịp thời, tạo mọi điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong thời gian tới. Với những điều kiện rất thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đưa các yếu tố, các nội hàm, các cơ chế đột phá nêu trên thành những động lực quan trọng, nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội"- Thủ tướng đề nghị. 

Theo Thủ tướng, Thành phố cũng cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan Trung ương, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách quy hoạch, kế hoạch các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố. Kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “quyền anh quyền tôi”, “trên nóng dưới lạnh” tiếp diễn, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác và xử lý công việc với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI là một sự kiện chính trị quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Thành phố. Với niềm tin khí thế mới và bề dày lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, với vinh dự tự hào và trách nhiệm của Thành phố được mang tên Bác Hồ kính yêu, Thủ tướng tin tưởng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và các phong trào thi đua yêu nước cách mạng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đã đề ra, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Trần Văn Nam tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
Ông Trần Văn Nam tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

VOV.VN - Ông Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa X tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa XI.

Ông Trần Văn Nam tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Ông Trần Văn Nam tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

VOV.VN - Ông Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa X tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa XI.

Ông Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên với số phiếu tuyệt đối
Ông Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên với số phiếu tuyệt đối

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Thắng được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 100% số phiếu. 

Ông Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên với số phiếu tuyệt đối

Ông Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên với số phiếu tuyệt đối

VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Thắng được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 100% số phiếu. 

Ông Dương Văn Thái trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang
Ông Dương Văn Thái trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

VOV.VN - Ông Dương Văn Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Ông Dương Văn Thái trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Ông Dương Văn Thái trúng cử Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

VOV.VN - Ông Dương Văn Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.