Thủ tướng: Từ nay đến 30/9 sẽ nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 30/9 chúng ta sẽ có nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát trên cơ sở đó khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội.
Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Dự cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương là Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND và các ngành, đơn vị liên quan từ cấp xã tới cấp tỉnh.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua; phân tích kết quả, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch; bàn giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 30/9 chúng ta sẽ có nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát trên cơ sở đó khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó, nội dung hết sức quan trọng nữa là từng bước khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết số ca tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, trong tuần ghi nhận 40.000 ca mắc trong cộng đồng chiếm 56,2 % tổng số ca mắc, giảm 11,7 % so với tuần trước đó. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 11 ca, giảm 18 ca, TP. HCM 37.000 ca, giảm 4.000 ca, ở Bình Dương giảm 533 ca Long An giảm 158 ca. Tất cả các địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát con số tử vong. Trong ngày hôm qua con số tử vong thấp nhất trong nhiều ngày gần, giảm 10,5%.
Đây là nỗ lực của TP.HCM trong vấn đề kiểm soát tử vong cũng như là phòng chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chúng ta đang trong giai đoạn dịch thoái lui, giai đoạn này rất nguy hiểm nếu không tiếp tục các biện pháp phòng chống sẽ có thể dẫn đến một đợt dịch thứ phát sau đợt dịch này.
Một trong những tỉnh có nguy cơ cao như tại tỉnh Kiên Giang đến nay tình hình dịch đã được kiểm soát, Tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới theo phương châm “sớm nhất - nhanh nhất - nhỏ nhất - triệt để nhất; sạch đến đâu khoanh vùng bảo vệ đến đó”. Riêng đối với thành phố Phú Quốc tỉnh sẽ quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30/9.
Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, ngày 23/9 số ca mắc mới trong toàn tỉnh hiện còn 2 con số đó là 93, trong đó trong cộng đồng là 3 ca, thấp nhất trong 1 tháng 4 ngày qua. Có thể nói đây là một tín hiệu rất mừng, Kiên Giang đã triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua và ngay trong sáng nay, thành phố Phú Quốc thần tốc toàn lực để triển khai tầm soát cho 100% hộ dân Phú Quốc, tỉnh đã huy động trên 2.100 nhân viên để triển khai, phấn đấu sáng nay ra quân chiều nay sẽ có kết quả 100% hộ dân tại Phú Quốc.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã nêu những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, nhất là kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức, phối hợp thực hiện, việc thực hiện giãn cách, phong tỏa diện hẹp, tầm soát, xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 vừa chống lây lan vừa cách ly, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; thảo luận về kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” trên tinh thần phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Nhiều ý kiến quan tâm tới các tiêu chí, quy định, quy trình... về tình hình dịch bệnh để làm căn cứ nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu đến ngày 30/9/2021 chuyển sang trạng thái bình thường mới. Các đại biểu cũng nghe giới thiệu và thảo luận về vấn đề xây dựng và sử dụng ứng dụng (App) dùng chung trong phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo và địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ không có Covid-19 sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tính toán thời gian trước hay sau ngày 30/9 tuỳ từng địa phương, các địa phương căn cứ vào đó để nới lỏng, kiểm soát hiệu quả và phù hợp với địa phương mình.
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trên cả nước Thủ tướng cho biết chúng ta vẫn đang tiếp tục được kiểm soát được dịch và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, tất cả các địa phương phải chủ động rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án PCD; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, tổ chức ứng trực trên từng địa bàn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đặc biệt là nâng cao năng lực đáp ứng về y tế, bảo đảm xử lý ngay từ cơ sở, xã, phường, sớm nhất, nhanh nhất.
Thủ tướng yêu cầu, “chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch chưa được hoặc khi kiểm soát được tình hình như một số nước trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại để bùng phát, lúc đóng lúc mở. Dứt khoát chúng ta phải tránh bằng được việc này. Chỉ lơ là, sơ hở là đánh mất thành quả. Phải nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, các biện pháp đã được đúc rút có hiệu quả thì dứt khoát phải thực hiện từ T.Ư đến cơ sở. Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, vừa có chung vừa có riêng, vừa có tổng thể, vừa cụ thể; vừa có bao quát vừa có đặc thù. Quá trình thực hiện bám sát nguyên tắc nhưng phải linh hoạt từng địa bàn, từng cấp, ngành”.
Việc xét nghiệm tầm soát phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phải xét nghiệm ở những địa bàn và đối tượng có nguy cơ cao, khoanh vùng chặt chẽ, hẹp nhất có thể. Thực hiện nhất quán các biện pháp trên nguyên tắc cơ bản, nhưng tổ chức linh hoạt nhưng phù hợp điều kiện cụ thể.
Thủ tướng đề nghị, tất cả các địa phương đều phải thành lập tổ công tác đặc biệt phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch UBND và Bộ trưởng phải có kế hoạch khôi phục phát triển kinh tế phù hợp với từng địa phương. “chỗ nào an toàn thì thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, không máy móc, phải theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, những DN an toàn thì phải sản xuất, phải làm từng bước thận trọng. Bộ Y tế cần lấy thêm ý kiến của các nhà khoa học để nhanh chóng hoàn thiện, từ đó có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, cố gắng trước ngày 30/9 hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá và hướng dẫn tạm thời”.
Liên quan xuất nhập cảnh, Tiểu ban An ninh trật tự phối hợp Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan sớm ban hành quy định mới. Nghiên cứu công nhận hộ chiếu vaccine; Bộ Giao thông vận tải phải kiểm soát việc lưu thông hàng hoá. Các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành "giấy phép con" làm ách tắc hàng hoá; Phải tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho người dân ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Phòng dịch hơn chống dịch. Việc phòng dịch tốt tránh được lây nhiễm. Phòng dịch tốt thì không bị tử vong.
Các biện pháp cần tập trung vào cơ sở, khoanh hẹp lại để làm, phân cấp tổ chức thực hiện đến tận cơ sở có hệ thống chính trị gần dân nhất, rồi hẹp hơn là tổ dân phố, thôn, bản. Tiểu ban Y tế ban hành quy định hướng dẫn tự xét nghiệm và huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia chống dịch theo tinh thần tăng tính tự chủ và trách nhiệm cá nhân. Chậm nhất ngày mai phải hoàn thiện, Bộ trưởng Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tạm thời này trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn, phải linh hoạt.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thích ứng tình hình mới là dự trên 6 nguyên tắc: y tế là trụ cột, là cơ sở; kinh tế là nền tảng trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, dữ liệu khoa học công nghệ là then chốt; ý thức của nhân dân, vắc-xin, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa việc thích ứng dịch bệnh là động lực phấn đấu vươn lên, thay đổi trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, nâng cao năng lực y tế cơ sở, năng lực quản lý.
Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất khen thưởng các cá nhân làm tốt công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Các cơ quan vừa làm vừa phải thanh tra, kiểm tra, giám sát, không để sai phạm nhỏ thành vi phạm lớn. Các bộ, ngành chủ động xử lý các kiến nghị theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo theo tinh thần năng động, sáng tạo, vì lợi ích quốc gia, dân tộc;
Về vaccine, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động cho năm 2022, Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế... chi tiêu phù hợp, tiết kiệm. Cần thống nhất quan điểm "Vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất", phải sử dụng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các biện pháp phù hợp để các cháu được trở lại học bình thường. Địa phương căn cứ tình hình cụ thể ở địa bàn theo tinh thần đi học phải an toàn, an toàn mới đi học.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng hoàn thiện các nền tảng, sớm ban hành một app thống nhất, chú ý người dân không có điện thoại thông minh thì phải có giải pháp cho đối tượng này./.