Thủ tướng: Ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tăng cường nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế vì nhân lực là một vấn đề rất cơ bản, rất xương sống.
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới chuyên đề về pháp luật diễn ra sáng nay 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tăng cường lực lượng con người, nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế vì nhân lực là một vấn đề rất cơ bản, rất xương sống. Coi việc hoàn thiện thể chế là đột phá để phát triển thì phải ưu tiên số một cho nguồn lực, con người, vật chất, cơ sở, điều kiện làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ quan trọng nhiệm kỳ này, trong đó có xây dựng thể chế.
Sau khi được kiện toàn, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ cần tập trung vào xây dựng thể chế như rà soát vướng mắc của luật pháp, các quy định, Luật do Quốc hội ban hành, Nghị định, Chỉ thị, Nghị quyết do Chính phủ ban hành. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo đột phá với một số Bộ cụ thể, giao Bộ trưởng, Thủ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp rà soát thể chế. Ngay sau đó rà soát các vướng mắc, vấn đề thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định, hoặc những vấn đề có quy định nhưng vượt thực tiễn. Đẩy mạnh xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định, quy chế. Tăng cường lực lượng con người, nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng nhấn mạnh, nhân lực là một vấn đề rất cơ bản xương sống, không thể giao cho một số cán bộ "không làm được việc gì thì sang làm bộ phận thể chế".
“Tinh thần chỉ đạo chung là tăng cường nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề nghị các Bộ trưởng, lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo điều người, điều nhân lực, dành ưu tiên cho việc này. Nhân lực là một vấn đề rất cơ bản, rất xương sống. Không thể nào giao cho một số đồng chí không làm được cái gì thì sang làm bộ phận về thể chế, tư duy này là phải bỏ. Thể chế là ưu tiên số một, là đột phá thì phải ưu tiên cho việc này bằng tất cả các nguồn lực, con người, vật chất, cơ sở, điều kiện làm việc. Chúng ta mà vướng thể chế chúng ta không làm được. Vì sao? Vì chúng ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, thượng tôn pháp luật, xây dựng một chính phủ đổi mới liêm chính, kỷ cương hành động hiệu quả vì nhân dân phục vụ thì phải xây dựng thể chế và hoàn thiện thể chế” - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nói thêm: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát để bổ sung, hoàn chỉnh, xây dựng ý kiến mới. Tuy nhiên, nhiều bộ vẫn chưa thực sự quan tâm vấn đề này, vì vậy các bộ phải rà soát lại. Bộ nào chưa quan tâm thì phải tập trung công sức để làm, dứt khoát Bộ trưởng, Thủ trưởng, Chủ tịch UBND phải làm. Hiện nay vẫn còn bộ chậm trễ, thờ ơ. Nhiều bộ, ngành đã có hai, ba hướng dẫn vẫn ngồi im.
Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm vì dân vì nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác, tập trung xây dựng thể chế, ba đột phát chiến lược. Chỗ nào còn vướng mắc, chậm trễ thì kiểm điểm, xử lý theo các quy định của Đảng, Nhà nước. Khi đã thống nhất rồi thì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, cấp dưới phục tùng cấp trên. Càng khó khăn, càng phức tạp càng thống nhất, càng cần chung một tiếng nói. Ở đâu, lúc nào cũng phải đoàn kết, người đứng đứng đầu chịu trách nhiệm. Vấn đề là chúng ta cần cùng nhau đồng lòng, đoàn kết, thống nhất.
Tại phiên họp, Bộ Tài chính đã trình bày dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án luật này.
Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cần rà soát, cái gì còn chồng chéo, vướng mắc trong thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện. Cái gì có quy định trong luật cũ nhưng không còn phù hợp thì bổ sung thêm. Những vấn đề mới mà luật chưa có thì phải phân tích bổ sung hoàn thiện dự thảo luật này. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia kinh doanh bảo hiểm, giảm tối thiểu thủ tục hành chính, phân cấp để quản lý, thiết kế các công cụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành. Các bộ không "ôm" việc; cái gì biết mới quản, cái gì xã hội, nhân dân làm được tốt hơn thì giao cho làm trừ những vấn đề, lĩnh vực thuộc an ninh, chủ quyền quốc gia. Trên tinh thần là phải bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Thủ tướng chỉ rõ: “Hiện nay, nhân dân đóng bảo hiểm y tế rất nhiều. Nhà nước cũng bỏ tiền để đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng yếu thế, người nghèo, người sống ở nơi vùng sâu, vùng xa. Vậy trước hết, tiền để dân vào đến bệnh viện phải là tiền lãi suất tiền ra từ bảo hiểm y tế chứ không phải đóng bảo hiểm y tế rồi mà nhà nước lại tiếp tục bao cấp, hoặc là người đóng bảo hiểm lại phải tiếp tục bỏ tiền. Tôi thấy không công bằng, vấn đề này các đồng chí nghiên cứu lại, nếu chưa có thì chúng ta phải thiết kế và xem việc này là một việc kinh doanh có điều kiện được không? Đảm bảo tinh thần là an sinh xã hội, ta không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quán triệt tinh thần này trong các luật, nhất là liên quan đến an sinh xã hội, đảm bảo lợi ích của người dân là trên hết, là trước hết”
Cũng tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; xây dựng Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến đóng góp. Đối với an ninh quốc phòng, nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì đã có quy định. Việc kinh doanh tần số thương mại phải có đấu thầu và phải có công cụ kiểm soát, bảo đảm minh bạch; tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế và của cả 35 năm đổi mới của nước ta, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, nhiệm vụ chính trị đặc biệt, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, vừa bảo đảm các quy định quốc tế. Hệ thống chính trị của chúng ta là một thể thống nhất, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, có sự phân công, kiểm soát, phối hợp để thực hiện ba quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp độc lập nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cho nên phải phối hợp, làm thật tốt, không câu nệ, không "quyền anh, quyền tôi". Cố gắng tạo sự thống nhất trên cơ sở đánh giá, phản biện, nêu ý kiến độc lập.
“Trước khi phát hành văn bản để tạo sự thống nhất, điều gì còn lăn tăn thì các đồng chí nêu ra, điều gì các đồng chí phản biện thì mình làm cho nó kỹ, để thể hiện sự thống nhất của hệ thống chính trị, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng mà có sự phân công, phối hợp kiểm soát để thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp, và tư pháp nhưng mà dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều này đừng có câu nệ đừng có “quyền anh quyền tôi”. Còn ý kiến khác nhau thì để thảo luận, có ý kiến phản biện là chuyện bình thường, nhưng mà cố gắng tạo được sự thống nhất trên nguyên tắc, được cọ xát, được phân tích, đánh giá, được trao đổi, được phản biện và được nêu những ý kiến có tính chất độc lập.” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại phiên họp, Văn phòng Chính phủ cũng đã báo cáo về việc rà soát văn bản pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các bộ cần rà soát lại các văn bản pháp luật theo tinh thần chung bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chủ trương sửa đổi dùng một luật sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc nhiều năm chưa tháo gỡ được, nhất là trong tình hình hiện nay ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế-xã hội khó khăn để tạo ra nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển. Phải rà soát rất kỹ theo tinh thần này, không làm tràn lan được. Cái gì phải làm căn cơ phải làm theo pháp luật. Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay, thực hiện sửa đổi, bổ sung, luật hoá. Cái gì thấy thực tiễn đặt ra, cần kiểm chứng, tạo sự đồng thuận thì chúng ta làm; phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra quyền lực bằng các công cụ quản lý nhà nước.
"Chúng ta xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế các công cụ, tăng cường giám sát, kiểm tra; làm có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề gì cần thiết, cấp bách thì làm trước, rà soát thêm, thực sự cần thiết thì đưa vào; các Bộ trưởng theo quy định chức năng, nhiệm vụ được phân công thì cũng chủ trì, “xắn tay” vào làm. Chúng ta không thể trong một kỳ họp giải quyết hết các ách tắc mà cần chọn lọc những gì cần thiết, cấp bách để làm nhằm tháo gỡ mọi nguồn lực trong lúc dịch bệnh chưa kiểm soát được, kinh tế còn khó khăn…" - Thủ tướng nhấn mạnh./.