Thủ tướng: Xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai
VOV.VN - Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng chống thiên tai là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai".
Sáng 20/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; lãnh đạo các bộ, ngành, gần 28.600 đại biểu tại Hà Nội và tại đầu cầu các địa phương.
Thủ tướng tham quan triển lãm công nghệ phòng chống thiên tai. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dù năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn và cực đoan, với 16/21 hình thái thiên tai. Trong đó có 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 15 trận lũ các loại và sạt lở đất lớn; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ năm 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ. Thiên tai năm ngoái làm 224 người chết và mất tích. Thiệt hại về tài sản lên tới gần 20.000 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại phía Bắc, làm 23 người chết và mất tích.
Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gần 9.500 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung hương và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA, hỗ trợ trên 5.700 tấn gạo cứu đói, 1.234 tấn hạt giống để hỗ trợ người dân các vùng bị thiên tai.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết, mặc dù công tác phòng chống thiên tai đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng có xu hướng gia tăng. Năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với các thiên tai lớn còn bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, chưa huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào cung cấp dịch vụ phòng chống thiên tai. Trong khi đó, một số công trình hồ chứa, đê điều ở miền Trung còn bấp cập và chưa có giải pháp hiệu quả.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương như Khánh Hòa, Thanh Hóa đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn cho các địa phương trong triển khai các dự án phòng chống thiên tai.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án xử lý cấp bách hậu thiên tai. Theo quy định hiện nay, việc sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương là thẩm quyền của Thủ tướng. Thời gian qua, Thủ tướng cũng đã quyết định, nhưng khi triển khai, các địa phương vẫn phải báo cáo Thủ tướng chủ trương đầu tư, sau đó tỉnh mới phê duyệt dự án và các công việc khác, dẫn đến vốn thì kịp thời, nhưng thủ tục đầu tư kéo dài. Do đó, ông Quyền đề nghị trong quyết định hỗ trợ vốn cho địa phương thì ghi luôn là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng để triển khai kịp thời.
Thủ tướng cho biết: "Quyết định xử lý một số vấn đề thiên tai do Chủ tịch tỉnh là chính, trừ những vấn đề điều hành liên hồ chứa lớn mà cần ý kiến Trung ương. Hay quyết định những giải pháp, công trình cấp bách để phòng chống thiên tai là được chỉ định do Chủ tịch tỉnh quyết định. Phần lớn kiến nghị của các đại biểu thuộc thẩm quyền địa phương".
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cần phải phát huy "phương châm 4 tại chỗ" để ứng phó phòng chống thiên tai hiệu quả. Đây là kinh nghiệm của Hà Nội khi lũ lớn trên sông Bùi trong các năm 2017, 2018 tại huyện Chương Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết: "Bài học kinh nghiệm đó là sự kịp thời trong huy động lực lượng và sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phải trực tiếp tại chỗ cùng vời người dân. Rồi ưu tiên tập trung cho công tác bảo vệ đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi. Có những lúc phải sơ tán hàng vạn người dân trong thời gian ngắn. Đây là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên nhất là việc đón nhận thông tin và xử lý sự cố. Tiếp đến là khắc phục hậu quả, nhanh chóng đầu tư lại những công trình phòng chống thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai; đã chỉ đạo củng cố bộ máy tổ chức về phòng chống thiên tai; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng chống thiên tai, vì thế hạn chế được một phần thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một trong 10 quốc giá chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai đe dọa, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh đến niềm tin vượt qua, chiến thắng thiên tai và yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, đều phải có phương án phòng chống thiên tai.
Đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai đã đạt kết quả tích cực, giúp giảm thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, số người chết do thiên tai vẫn lớn, 224 người chết. Năm nào cũng có người chết vì sạt lở đất. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai còn hạn chế. Hệ thống đê biển chỉ chịu được bão cấp 10 trong khi bão lại cấp 11, cấp 12. Trong một số trường hợp việc khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm. Cơ chế chính sách xã hội hóa trong phòng chống thiên tai chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt trong giúp người dân hiểu biết, nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai.
Trong một số trường hợp việc khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm. Cơ chế chính sách xã hội hóa trong phòng chống thiên tai chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt vai trò của cộng đồng, người dân trong việc giúp người dân nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, bởi cộng đồng tại chỗ rất có kinh nghiệm phòng chống thiên tai.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức quan trọng trong phòng chống thiên tai, kiếm cứu nạn như: Quá trình phát triển kinh tế xã hội chưa tính đủ tác động của thiên tai đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, giảm tính bền vững. Bên cạnh đó, yêu cầu của xã hội an toàn hơn trước thiên tai ngày một cao hơn; dân số, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá,… đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn.
Thủ tướng cũng nêu rõ, tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, cực đoan, không theo quy luật. Đây là thách thức lớn đối với công tác dự báo, cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, triều cường… Một số bộ, ngành, địa phương ý thức phòng chống thiên tai còn kém khi mà bất cứ vùng nào cũng có thể có thiên tai trong thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay.
Từ đó, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng chống thiên tai là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, trong đó cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn; nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác.../.