Thúc đẩy hợp tác đối tác chiến lược Việt- Trung

Từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1991) đến nay, hợp tác giữa hai nước phát triển toàn diện trên tất cả các mặt  

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 11-15/10.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2011, cả hai nước đều có nhiều sự kiện chính trị quan trọng và đạt được nhiều kết quả trong hợp tác, càng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt –Trung.         

Từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1991) đến nay, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Năm 1999, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI.

Năm 2000, hai bên ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện, cụ thể hóa phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể; thống nhất đưa hai nước phát triển quan hệ trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Năm 2008, hai nước nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, đồng thời nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai nước cũng vừa kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/2010) và lấy năm 2010 là “Năm hữu nghị Việt- Trung” với nhiều hoạt động quy mô lớn, cụ thể và thiết thực nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vào năm 2006 và đã tiến hành 5 phiên họp.

Hợp tác giữa hai Đảng cũng không ngừng được đẩy mạnh, thường xuyên duy trì trao đổi và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng.

Trong nghiên cứu lý luận, hai Đảng tổ chức thành công 6 cuộc hội thảo lý luận và đang tích cực chuẩn bị cho hội thảo lần thứ 7 sẽ được tổ chức trong năm nay tại Trung Quốc.

Hợp tác trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được hai bên quan tâm, triển khai theo hướng tăng cường và hiệu quả.

Chỉ tính từ cuối năm 2007 đến năm 2010, Việt Nam đã tổ chức được 8 đoàn cán bộ cấp cao Đảng và Nhà nước (từ Thứ trưởng trở lên) và 6 đoàn cán bộ cấp Cục, Vụ đi học Thạc sỹ và Tiến sỹ tại Trung Quốc.

Hợp tác giữa các ngành quan trọng như: Ngoại giao, an ninh, quốc phòng cũng tiếp tục được tăng cường với nhiều thỏa thuận quan trọng đã được ký kết.

Quan hệ giữa các địa phương của hai nước cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như: Tăng cường trao đổi đoàn, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm.

Trong hợp tác quốc tế, hai bên luôn tích cực trao đổi, phối hợp lập trường trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là phối hợp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an (2008-2009), năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA (2010).

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng nhanh.

Năm 2007, kim ngạch mậu dịch hai nước đạt gần 16 tỷ USD, hoàn thành trước 3 năm so với mục tiêu mà hai nước đề ra.

Đến năm 2010, kim ngạch thương mại đạt hơn 27 tỷ USD, chiếm 17,4% trong tổng số 157 tỷ USD giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên tới gần 16 tỷ USD.

Hợp tác đầu tư cũng có bước phát triển mới, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc tiếp tục mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến tháng 7 năm nay, Trung Quốc có 805 dự án đầu tư trực tiếp đang triển khai ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 14/92 quốc gia và khu vực có đầu tư tại Việt Nam.

Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN – Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ năm 2010 với cam kết giảm thuế mạnh từ cả hai bên, nhiều mặt hàng sẽ có thuế nhập khẩu từ 0- 5%.

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, liên doanh sản xuất…

Trung Quốc cũng không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi cho Việt Nam. Các dự án hợp tác kinh tế lớn như Dự án xây dựng nhà máy khai thác và tuyển luyện đồng tại Sin Quyền; nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1,2; Dự án viễn thông nông thôn, Dự án đường sắt đô thị tuyến Hà Nội –Hà Đông.

Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn giao lưu thanh thiếu niên, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện…

Trong những năm qua, quan hệ trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao cũng được đẩy mạnh.

Hàng năm, Trung Quốc cung cấp và duy trì số lượng 130 học bổng cho Việt Nam.

3 năm qua, lượng lưu học sinh Việt Nam du học tại Trung Quốc tăng nhanh, hiện có khoảng 13.000 lưu học sinh ta đang học tại các Trường Đại học của Trung Quốc với nhiều ngành nghề đa dạng. Còn Trung Quốc hiện có hơn 3.500 người đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành tiếng Việt, du lịch và kinh doanh. Trung Quốc cũng là thị trường nguồn du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm nay, trong số 2,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì khách Trung Quốc hơn 540.000 lượt người.

Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Hai bên đã tiến hành đàm phán 3 vấn đề gồm: Biên giới trên đất liền, phân định vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển.

Đến nay, hai nước đã ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền (hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2008); Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ; Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ và Nghị định thư hợp tác về nghề cá vịnh Bắc Bộ.

Những kết quả hợp tác mà hai nước đã đạt được cho thấy nỗ lực của lãnh đạo cấp cao và cũng là mong muốn của nhân dân hai nước, mong muốn tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam- Trung Quốc.

Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc sẽ thành công, góp phần tích cực củng cố, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc lên một tầm cao mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên