Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Myamar và Tiểu vùng Mê Kông

Từ hôm nay (19/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị GMS-4 và thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar ngay sau khi kết thúc Hội nghị GMS.

Với chủ đề “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược Tiểu vùng Mê Kông mở rộng”, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng (gọi tắt là GMS) lần thứ 4 được tổ chức tại Nay Pyi Taw, Myamar với sự tham gia của 6 nước thành viên, bao gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Thái lan, Trung quốc và Việt Nam.

Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước tiểu vùng Mê Kông; đưa tiểu vùng Mê Kông mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vương ở Đông Nam Á.

Thúc đẩy mục tiêu này, các nước tiểu vùng Mê Kông đã và đang đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất, như hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường…. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước.

Theo chương trình nghị sự, hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông lần thứ 4 sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung: Báo cáo kết quả Hội nghị đầu tư và kinh doanh tiểu vùng Mê Kông; tiến hành nhiều lễ ký kết các Biên bản ghi nhớ, trong đó có Biên bản ghi nhớ về phối hợp hành động giảm tính dễ bị tổn thương với HIV cho ngươi di biến động; Biên bản ghi nhớ về hợp tác để phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin và ứng dụng trong khu vực tiểu vùng Mê Kông…

Với tư cách là một thành viên tích cực của Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông, Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác kinh tế tiểu vùng và hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình. Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam đã tham gia vào các các dự án vay vốn Tiểu vùng Mê Kông với tổng số vốn trên 2 tỷ USD.

Với việc tham gia tích cực vào các sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mê Kông, như: Hiệp định Giao thông qua biên giới các nước tiểu vùng Mê Kông; Hiệp định Thương mại điện năng khu vực; Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mê Kông… Tại hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều sáng kiến, cùng các nước tiểu vùng Mê Kông thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích của mỗi quốc gia.

Ngay sau hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông, ngày 21/12, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar. Trong những năm gần đây, quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar đã và đang có những bước tiến mới. Không chỉ duy trì các đoàn cấp cao, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myamar trong 10 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 125 triệu USD, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt; thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp hai nước khi tiếp cận thị trường của nhau; cùng nhau trao đổi những biện pháp tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, ARF, CLMV, ACMECs, EWC…

Theo đánh giá, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Cộng hòa liên bang Myanamr và tham dự GMS-4 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy, phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam-Myanmar, Việt Nam và các nước tiểu vùng Mê Kông lên một tầm cao mới; củng cố hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên