Thúc đẩy lợi ích chung, nâng cao vị thế của Việt Nam

Với chính sách nhất quán tích cực bảo vệ hòa bình, thực hiện nghiêm túc các cam kết, góp phần thúc đẩy các hoạt động của LHQ phù hợp với lợi ích chung, Việt Nam đã và đang được các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao.  

Nhân Khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York, từ ngày 23-26/9/2009, sẽ diễn ra Phiên họp Thượng đỉnh Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Phiên thảo luận chung Cấp cao của ĐHĐ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các sự kiện này.

Có thể nói, Khóa họp lần thứ 64 ĐHĐ LHQ khai mạc tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 15/9/2009 trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. LHQ đang chuẩn bị cho Khóa họp 65 vào năm 2010, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập và 10 năm thực hiện Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) được đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ vào năm 2000.

Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA ngày 24/9/2009 về chủ đề “Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân” do Tổng thống Mỹ Obama chủ trì nhân dịp Mỹ làm Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 9/2009. Một số nội dung được tập trung thảo luận sẽ là đánh giá tầm quan trọng của việc chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, tăng cường các biện pháp thúc đẩy vấn đề này, khẳng định lại cam kết với các hiệp ước đa phương về kiểm soát vũ khí hạt nhân và ủng hộ các nỗ lực quốc tế về Giải trừ quân bị hạt nhân; quyền các nước được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình…

Trong khi đó, Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá 64 ĐHĐ LHQ diễn ra từ 23-30/9/2009 với chủ đề "Ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu: tăng cường chủ nghĩa đa phương đối thoại giữa các nền văn minh vì hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển", sẽ đánh giá về tình hình quốc tế hiện nay, các biện pháp hợp tác quốc tế và đặc biệt là vai trò của LHQ trong việc ứng phó với những thách thức như: tình hình xung đột vẫn tiếp diễn, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu cộng hưởng với các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lượng thực, dịch bệnh…

Các nước thành viên và Tổng thư ký LHQ hoan nghênh Việt Nam đã có những đóng góp xây dựng với tư cách Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. (Ảnh: CTN Nguyễn Minh Triết và TTK LHQ Ban Ki Moon/TTXVN).

Có thể khẳng định, Việt Nam tham dự các hoạt động nhân Khóa họp lần thứ 64 của ĐHĐ LHQ với vị thế quốc tế tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tích cực bảo vệ hòa bình, chống chạy đua vũ trang, thể hiện cụ thể ở việc Việt Nam là thành viên của tất cả các điều ước đa phương quan trọng về giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong năm 2009, trong lĩnh vực Giải trừ và Chống phổ biến hạt nhân đã có một số tiến triển mới được các nước hoan nghênh như các phát biểu gần đây của lãnh đạo một số nước có vũ khí hạt nhân về cam kết xây dựng thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hội nghị Giải trừ Quân bị cũng vừa thông qua được chương trình nghị sự sau hơn một thập kỷ bế tắc.

Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị tại Genève đã tích cực tham gia vào các hoạt động của diễn đàn nhằm thực hiện mục tiêu giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do LHQ đề ra. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và ký Nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Bảo đảm Hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Các nước và các tổ chức quốc tế của các điều ước trên đều đánh giá cao việc Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Các nước thành viên và Tổng thư ký LHQ hoan nghênh Việt Nam đã có những đóng góp xây dựng với tư cách Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Việt Nam cũng đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao đối với vấn đề cải tổ LHQ, hiện đang đóng góp cụ thể vào việc đổi mới hệ thống phát triển của LHQ bằng việc cùng các tổ chức LHQ thực hiện có kết quả Sáng kiến "Một Liên Hợp Quốc" ở Việt Nam sau khi được LHQ chọn làm một trong tám nước trên thế giới thực hiện thí điểm sáng kiến này.

Ông Colin Keating, Giám đốc Điều hành Security Council Report, một tổ chức nghiên cứu về mọi vấn đề của HĐBA LHQ từng nhận xét, Việt Nam đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh là thành viên không thường trực HĐBA LHQ kể từ khi chính thức đảm nhận vai trò này từ ngày 1/1/2008; đồng thời khẳng định, Việt Nam đã mang đến cho nghị trường tính chuyên nghiệp cao về ngoại giao, tính can đảm trong bảo vệ những nguyên tắc mà Việt Nam ủng hộ, cũng như tính thực dụng trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi cho những vấn đề đưa ra bàn thảo. Nhờ đó, Việt Nam đã nhận được sự tôn trọng rất lớn từ các nước. 

Việt Nam cũng được LHQ đánh giá cao về việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG), triển khai thành công đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị LHQ về phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực...

Tại Phiên thảo luận chung lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự và phát biểu nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu; thể hiện những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng và trách nhiệm cao của Việt Nam tại LHQ. Sự tham gia của Việt Nam cũng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương với các nước, tổ chức quốc tế và góp phần vào việc giải quyết một số vấn đề quốc tế quan tâm.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương với Nguyên thủ, Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước, lãnh đạo LHQ... bên lề Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng 64 và tham dự một số hoạt động quan trọng khác.

Đặc biệt hơn, Việt Nam sẽ lần thứ hai đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ tháng 10/2009 (lần đầu vào tháng 7/2008) trong bối cảnh diễn ra các hoạt động quan trọng của ĐHĐ LHQ khoá 64 và Việt Nam sẽ kết thúc nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực HĐBA vào ngày 31/12/2009.

Trên cương vị này, Việt Nam sẽ xây dựng chương trình làm việc tháng và chương trình nghị sự các cuộc họp của HĐBA; Chủ trì, điều hành các cuộc họp kín hoặc công khai của HĐBA và phát biểu, trả lời báo chí, thông báo cho các nước thành viên LHQ về kết quả các cuộc họp này… Việt Nam cũng sẽ trình bày trước ĐHĐ LHQ Báo cáo hoạt động của năm 2008-2009 của HĐBA.

Với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm vào công việc của HĐBA, Việt Nam quyết tâm phối hợp cùng các quốc gia thành viên LHQ và các đối tác của LHQ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động phù hợp với lợi ích chung của các dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên