Thường vụ Quốc hội thảo luận 4 dự án Luật

Các dự án Luật này bao gồm: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp và Luật Quảng cáo.

Ngày 10/1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 5, thảo luận về 4 dự án Luật còn ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đứng) chủ trì phiên họp

Thảo luận dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, giữa thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo vẫn còn ý kiến khác nhau là việc có hay không quy định mức phạt tiền cao hơn đối với hành vi vi phạm hành chính tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực tế, đối với các đô thị lớn, tình hình vi phạm hành chính phổ biến, diễn biến phức tạp và thường gây hậu quả lớn, nên cần có quy định mang tính đặc thù. Trong khi đó, thời gian qua, việc áp dụng mức phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ cao gấp 2 lần mức phạt chung đối với khu vực nội thành Hà Nội, TP HCM đã bước đầu đem lại hiệu quả, ý thức chấp hành của người dân được nâng cao.

Vì vậy, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình: Đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị, cần áp dụng mức phạt tiền cao hơn tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương.

Về các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến người bán dâm, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với quan điểm của dự thảo luật là “bỏ qui định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”.

Ông Hiện lý giải: “Chúng ta có nhiều biện pháp xử lý người bán dâm mà không nhất thiết phải đưa vào cơ sở chữa bệnh. Bởi vì đưa nếu người ta không có bệnh mà đưa vào cơ sở chữa bệnh là không đúng. Kinh nghiệm của một số nước có thể áp dụng được ở Việt Nam, ví dụ như mục đích của người bán dâm là lợi ích vật chất thì xử phạt vật chất. Không có tiền nộp phạt thì đi lao động công ích. Nếu lao động công ích tổ chức tốt, tính chất giáo dục rất cao”.

Về dự thảo Luật Quảng cáo, quy định trong dự thảo Luật giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế, 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số điều quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh đối với hoạt động quảng cáo.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Phải làm rõ nguyên tắc Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo, nội dung đó có vấn đề gì không. Báo điện tử, truyền hình là phương tiện đưa quảng cáo chứ không thể giao cho Bộ quản lý nhà nước về vấn đề này được. Tôi nghĩ rằng truyền hình và báo chí mà đưa quảng cáo sai sự thật thì phải bị xử phạt. Tuy nhiên vấn đề này trong dự thảo Luật chưa nói đến”.

Ngày mai (11/1), phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên