Tiếp nối thế hệ VOV

Kế thừa phát triển thành quả mà thế hệ cha anh để lại, hơn 2.000 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, ca sỹ, nghệ sỹ Đài TNVN quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, xứng danh Đài hai lần Anh hùng.

Khi về thăm Đài TNVN tại Chùa Trầm, Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 21/1/1947, Bác Hồ căn dặn: “Đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng và Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập chúng ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống”. Lời căn dặn của Bác đã được lớp lớp thế hệ những người làm phát thanh tiếp nối thực hiện, đến nay, đã trải qua hơn nữa thế kỷ.

Thế hệ cha anh

Trong biên niên kỷ, Đài TNVN đã ghi lại những trang vàng về thế hệ cha anh. Từ những đồng chí thành lập Đài phát thanh, cải tiến máy, chọn địa điểm phát sóng; biên tập chương trình bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; thế hệ cha anh tiếp bước đã làm nên lịch sử truyền thống hào hùng của Tiếng nói Việt Nam, góp phần thắng lợi vào 2 cuộc kháng chiến và xây dựng CNXH.

Dấu ấn lịch sử mà thế hệ cha anh để lại, một di sản vô cùng quý báu - Đài Phát thanh Quốc gia là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá những chủ trương chính của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời mọi diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Làn sóng phát thanh vượt qua biên giới quốc gia, chọc thủng các bức màn bưng bít của các thế lực phản động, đập tan luận điệu xuyên tạc của chúng.

Những chủ trương, quyết sách đúng đắn của thế hệ cha anh đi trước đã tạo nên sự trường tồn hôm nay. Lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” vang khắp 5 châu 4 biển.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đài TNVN đã phải di chuyển 14 lần, 13 nhà báo hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. Hàng chục nghệ sỹ nhân dân, hàng trăm nghệ sỹ, nhà giáo ưu tú, hàng trăm, hàng ngàn người đã có công đóng góp cho sự nghiệp phát thanh Việt Nam.

 

 Gặp mặt lãnh đạo Đài TNVN qua các thời kỳ

Một điều đáng được ghi nhận là thế hệ cha anh đi trước phần lớn được đào tạo căn bản chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài, là luật sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà kinh tế - chính trị học, kỹ sư đầu ngành. Người đứng đầu Đài TNVN là những người đã trải nghiệm thực tiễn tham gia cách mạng, có học hàm học vị cao, giữ nhiều chức vụ quan trọng của các tổ chức trong nước và quốc tế, như: Giáo sư, Tiến sỹ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, Chủ tịch Hội đồng quốc tế các Đài Phát thanh - Truyền hình có sử dụng tiếng Pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam với nhiều nước trên thế giới như Cu Ba, Nga, Venezuela, Lào... Nhờ đó mà mọi quyết sách của người đứng đầu đều đúng và trúng - Triển khai truyền đạt, chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước kịp thời; Lựa chọn công nghệ, thiết bị đầu tư trang bị cơ sở vật chất đúng lúc, hiệu quả, hiện đại ngang tầm thế giới.

Trong kháng chiến, các đồng chí lãnh đạo đã tìm chọn hàng trăm địa điểm phát sóng từ trong hang đá đến vùng rừng núi hiểm trở khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày nay, do có công nghệ hiện đại, trình độ thi công cao, với kinh nghiệm thế hệ cha anh để lại, để phát huy hiệu quả phủ sóng, Đài TNVN đã chọn điểm núi cao xây dựng đài, trạm, có điểm cao tới 2.000m so với mực nước biển nhằm đảm bảo làn sóng TNVN liên tục và chất lượng cao nhất, đưa tỷ lệ phủ sóng trong dân cư năm 2009 đạt 99,3%. Cùng với đó là đổi mới cơ cấu tổ chức, cải cách hành chính, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công viên chức ngày một nâng cao, trang bị điều kiện làm việc, đào tạo đội ngũ phát thanh đảm bảo tính chuyên nghiệp cao.

Thế hệ những người làm cầu nối giữa 2 thế kỷ

Một nét truyền thống đáng quí của Đài TNVN là duy trì đều đặn các cuộc gặp mặt giữa các thế hệ làm phát thanh trong các đơn vị. Các anh, các chị qua các thời kỳ giữa 2 thế kỷ đã thực sự trở thành cầu nối truyền thống anh hùng.

Từ việc chỉ đạo điều hành, ra các quyết sách quản lý ở cơ quan đơn vị, đến việc đào tạo cho đội ngũ hôm nay, thành quả to lớn ấy thuộc thế hệ cha anh, thế hệ làm cầu nối giữa hai thế kỷ.

Thế hệ những người làm cầu nối giữa hai thế kỷ đã tham gia, chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ đến công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH. Từ câu chuyện “Khoán 10” đến mô hình HTX kiểu mới hôm nay, từ quan liêu bao cấp đến cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN. Từ công nghệ làm phát thanh truyền thống kỹ thuật Analog chuyển sang ứng dụng kỹ thuật hiện đại, sản xuất chương trình phát thanh công nghệ số và phần mềm chuyên dụng kỹ thuật tiên tiến. Từ một loại hình báo chí, đến nay, Đài đã phát triển bốn loại hình báo chí: báo nói, báo in, báo hình và báo điện tử với phương tiện nghe nhìn đa dạng, phù hợp với quy luật phát triển.

Thế hệ 7X, 8X

Thế hệ sinh ra và lớn lên trước và sau ngày Bắc - Nam thống nhất, thế hệ được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi nhất: Được đào tạo cơ bản trong môi trường đất nước đang đà phát triển toàn diện, được gia đình và xã hội quan tâm, chăm lo phát triển tài năng. Hiện nay, thế hệ 7X, 8X ở Đài TNVN chiếm 60% tổng số nhân lực, phần lớn thể hiện tố chất năng động sáng tạo, có trình độ đại học, trên đại học trong nước và nước ngoài, được tuyển dụng từ năm 1995 và năm 2000, được đào tạo từ các chuyên ngành Báo chí, Khoa học xã hội nhân văn, Văn hóa thể thao, du lịch, Bách khoa, Tổng hợp, Ngoại ngữ, Kinh tế Thương mại, Cơ khí, Giao thông vận tải, hoặc được điều động thuyên chuyển từ các cơ quan, bộ, ngành khác chuyển về. Từ trước tới nay, để được vào làm việc ở Đài TNVN, phải qua tuyển dụng theo chuyên ngành, đảm bảo độ tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, giỏi ngoại ngữ, tin học, sau đó qua lớp đào tạo công chức, viên chức tại Đài. Trong quá trình làm việc ở Đài, thế hệ này tiếp tục được đào tạo tại chỗ, đào tạo trong và ngoài nước.

 

 Ông Đào Duy Hứa - Phó Tổng Giám đốc
Đài TNVN

Nhờ đó mà hàng trăm nhà báo, biên tập viên, kỹ thuật viên, ca sỹ, nghệ sỹ đã đáp ứng được công việc trên giao, tiếp cận, làm chủ công nghệ hiện đại. Hằng năm đoạt nhiều giải báo chí Quốc gia; giọng hát vàng ASEAN; giải thưởng quốc tế do Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) và Học viện Phát thanh - Truyền hình (AIBD) trao tặng; nhận bằng lao động sáng tạo, chiến sỹ thi đua toàn ngành, cán bộ kinh doanh giỏi.

Thế hệ trẻ hôm nay được thử thách trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc thể hiện tài năng của mình để đóng góp cho phát thanh hiện đại, chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới trên nền lịch sử truyền thống hào hùng của cả dân tộc, tạo tiền đề thuận lợi để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trước mắt, năm 2010 - năm kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Kế thừa phát triển thành quả mà thế hệ cha anh để lại, hơn 2.000 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, ca sỹ, nghệ sỹ Đài TNVN quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, xứng danh Đài hai lần Anh hùng. Phát huy sức mạnh cả bốn loại hình báo chí, làm chủ công nghệ, đào tạo đội ngũ làm báo chuyên nghiệp của Đài Phát thanh Quốc gia ngang tầm quốc tế./.

Lịch sử phát thanh đã trải qua 103 năm (1906 - 2009), hầu hết các Đài Phát thanh - Truyền hình là công cụ tuyên truyền của Nhà nước, Chính phủ và tổ chức cầm quyền cao nhất. Đài TNVN do Bác Hồ sáng lập ngày 7/9/1945. Từ chỗ chỉ có 10 người lãnh đạo, biên tập, kỹ thuật để lập Đài phát thanh, nay Đài TNVN đã có hơn 2.000 người, trong đó có 750 phóng viên, biên tập viên, ca sỹ, nghệ sỹ, 700 kỹ sư, kỹ thuật viên, hơn 100 CBCCVC có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, gần 400 người là giảng viên, quản lý kinh doanh dịch vụ hành chính; toàn ngành phát thanh có gần 20.000 người.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên