Tiếp tục lựa chọn một số vụ án để Ban chỉ đạo PCTN theo dõi, xử lý

VOV.VN - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 của Ban Nội chính Trung ương.

Sáng 3/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong thời gian qua, mặc dù khối lượng công việc nhiều, với nhiều đề án lớn, chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực rất lớn, Ban Nội chính Trung ương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng đầu năm.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, theo ông Phan Đình Trạc, Ban Nội chính Trung ương tập trung hoàn thành 5 Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, văn bản quan trọng nội chính, phòng chống tham nhũng; tham gia công tác cán bộ, nhất là nhân sự Đại hội Đảng các cấp theo thẩm quyền và theo đề nghị của các cơ quan chức năng.

“Phân biệt cho rõ đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, xấu độc, đâu là thông tin gây nhiễu, đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm. Xử lý hình sự, xử lý hành chính cũng phải phân hóa rõ trách nhiệm. Đặc biệt, khi có thông tin về cán bộ, chúng ta phải đánh giá rất kỹ góc độ trách nhiệm của các khối liên quan” – ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ tiếp theo, theo ông Phan Đình Trạc, Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ ngành Trung ương, nhất là các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự, các vụ việc nghiêm trọng phức tạp, các vụ việc báo chí phản ánh, dư luận quan tâm liên quan nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Khẩn trương chuẩn bị nội dung tài liệu phục vụ tốt Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sắp diễn ra.

Cần phải bám các vụ án, vụ việc để kịp thời tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Phối hợp tổng kết, rút kinh nghiệm qua xử lý một số vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và tiếp tục lựa chọn một số vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý.

“Phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan để tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo xử lý tình trạng khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự tại khu vực trụ sở Trung ương và các cơ quan Trung ương” – Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Gia Túc – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính đã chủ động, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần tiếp tục “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông Phạm Gia Túc – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tổ chức 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau các phiên họp đã kịp thời phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu ban hành 12 Thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo để xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ; tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo 110 ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo 110 chỉ đạo xử lý. Phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc ở cả 3 cấp độ.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Trung ương tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý của 46 tỉnh, thành ủy; thẩm định nhân sự lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Nhân dân...

Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm rất tích cực, quyết liệt và hiệu quả theo các Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên