Tín hiệu tích cực từ con số trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV
VOV.VN - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được đánh giá là thành công tốt đẹp. Kết quả cho thấy nhiều tín hiệu tích cực từ những chữ “Nhất”.
Trước hết, cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng số cử tri cả nước là 69.523.133 cử tri; tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 cử tri (đạt tỷ lệ 99.6% cử tri đi bầu).
So với nhiệm kỳ trước, tổng số cử tri lần này nhiều hơn 2.037.651 người và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cũng nhiều hơn, 2.194.513 cử tri; tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn 0,25%.
Con số trên càng ấn tượng và có ý nghĩa hơn nữa khi cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, khoa học cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công.
Cơ cấu kết hợp từ kết quả bầu cử cũng thể hiện tỷ lệ hợp lý, có những tỷ lệ tăng lên cao nhất từ trước đến nay. Trong 499 người trúng cử thì đại biểu là phụ nữ 151 người (30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số 89 người (17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi 47 người (9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng 14 người; đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước là 203 người (40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội 296 người (59,32%).
Nhìn vào các con số trên có thể thấy tình trạng đại biểu “nhiều vai” ít hơn khoá trước, theo đúng chủ trương hướng đến một Quốc hội đổi mới và chuyên nghiệp. Cụ thể, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Tuy tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ trúng cử đã đạt tới 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Và như khẳng định của Tổng Thư ký Quốc hội thì trong quá trình hoạt động sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đạt 40%.
Bên cạnh đó, các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, trên diễn đàn Quốc hội sắp tới sẽ có 8 đại biểu thế hệ 9x vừa trúng cử.
Cũng lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khoá VI đến nay. Trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên Đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV).
Như Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ, Đảng, Nhà nước.
Kết quả cuộc bầu cử là minh chứng trong khó khăn, thử thách thì lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của dân tộc, nhân dân càng trỗi dậy và phát huy mạnh mẽ.
Kết quả bầu cử với những con số vừa được công bố thực sự ấn tượng. Song, thành công đó chỉ được phát huy khi hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực sự hiệu lực, hiệu quả qua tâm huyết và trách nhiệm của mỗi đại biểu dân cử. Điều đó cũng đặt ra vấn đề cần có cơ chế đánh giá, “chấm điểm” chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Trả lời phóng viên VOV.VN về việc vấn đề trên sẽ được Quốc hội quan tâm như thế nào trong thời gian tới tại cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn cho rằng, nâng cao chất lượng hoạt động cũng là trọng tâm, trọng điểm trong các khoá vừa qua, nhất là khoá XIV. Vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương cũng là điều mà cử tri và nhân dân quan tâm, thể hiện qua các kiến nghị gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sắp tới sẽ xây dựng đề án cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như hoạt động của Quốc hội - cơ quan lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng, các quyết sách liên quan đến đời sống nhân dân. Điều quan trọng hơn, “mỗi đại biểu dù chuyên trách hay kiêm nhiệm cũng phải thấy trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân”./.