Tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa Việt Nam - Brazil - Cộng hòa Dominicana

VOV.VN - Sáng nay 23/11, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về đến sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 2024 và thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững” Hội nghị G20 năm nay có sự tham dự của đông đảo các lãnh đạo toàn cầu, trong đó có nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 21 thành viên G20 và 19 quốc gia khách mời, Tổng giám đốc, Chủ tịch của 15 tổ chức quốc tế chủ chốt. 

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng chung tay trong cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững, qua đó, góp phần tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô để giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham dự tất cả các hoạt động chính thức của Hội nghị. Nhất là tại phiên thảo luận về “cuộc chiến chống đói nghèo” Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các nước 3 bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, đó là không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặc biệt coi trọng của an ninh lương thực và xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; lấy con người làm trung tâm, chủ thể ưu tiên đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tôi đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu: Thứ nhất là bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm. G20 cần phát huy vai trò đi đầu trong bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, không chính trị hoá khoa học-công nghệ, các vấn đề phát triển, nhất là thương mại, nông nghiệp và an ninh lương thực. Thứ hai là bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài. G20 cần tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính ưu đãi, quản trị thông minh cho các nước chậm và đang phát triển trong chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững và hỗ trợ bảo đảm các chuỗi cung ứng lương thực cho các nước thu nhập thấp. Thứ ba là bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực cho phát triển bền vững; ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách thiết thực, khả thi, hiệu quả cho xoá đói, giảm nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại các phiên thảo luận về “Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng các quốc gia, đối tác, cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước 2050, đóng góp cho sự phát triển của một thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững, vì tương lai của các thế hệ mai sau.

Để góp phần đưa tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trở lại đường ray, tăng tốc và về đích đúng hạn, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với hội nghị 3 đề xuất: Thứ nhất là tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là nền tảng; chuyển đổi xanh là trung tâm, là định hướng dẫn dắt; chuyển đổi năng lượng là động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững, giảm phát thải các-bon. Đề nghị G20 cần đi tiên phong trong kết nối nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và kiến tạo hệ sinh thái mở về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các nước đang phát triển với nguyên tắc không chính trị hoá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Thứ hai, tập trung thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm nhất quán lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; đồng thời chú trọng tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Brazil về thu hẹp bất bình đẳng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, bảo đảm công bằng xã hội và phát triển bao trùm trong năm Chủ tịch G20. Thủ tướng nhấn mạnh đây là những điều kiện quan trọng, tiên quyết cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng phục vụ lợi ích của người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, Việt Nam kêu gọi thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư hiệu quả, nhất là hợp tác công tư để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.

Trong lần này Hội nghị G20 mở đầu với Lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo Việt Nam là một trong những nước sáng lập Liên minh. Về vấn đề này Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Tôi cho rằng sự tham gia của Việt Nam thể hiện trên 3 vấn đề: tích cực, chủ động và hiệu quả. Trước hết, Việt Nam hoàn toàn chủ động tham gia liên minh toàn cầu chống đói nghèo với tư cách sáng lập viên của cam kết này. Bản thân Việt Nam cam kết và hoạt động của chúng ta, mặt khác ta thúc đẩy trụ cột quốc gia, kêu gọi các bên cùng tham gia đóng góp vào mặt kỹ thuật, tài chính để hỗ trợ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Việc Việt Nam tham gia sáng kiến thiết lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo đem lại hiệu quả to lớn, không phải chỉ là chia sẻ thành công của Việt Nam mà chúng ta cũng học hỏi được rất nhiều từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là khu vực G20 và G7, đồng thời ta cũng học được bài học của những nước nghèo – nơi mà cuộc sống còn nhiều khăn. Như vậy là chúng ta chung tay cùng toàn thế giới chống đói nghèo".

Tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 35 cuộc tiếp xúc song phương với nhiều lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị và có cuộc hội đàm thành công với Tổng thống Brazil Lula da Silva, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược khẳng định về mức độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước, thể hiện sự quyết tâm của hai Chính phủ trong việc mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, đưa quan hệ phát triển sâu rộng, và thực chất hơn, ổn định và bền vững hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Dominicana của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước, thể hiện Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Cộng hòa Dominicana, hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (07/7/2005 - 07/7/2025). 

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết: "Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng, rất hiệu quả với Tổng thống Luis Abinader Corona, qua đó hai bên đã thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm của hai Chính phủ và thông báo những phương hướng, biện pháp được hai bên nhất trí nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana trong tương lai. Kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ mở một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, tạo động lực mở rộng và làm sâu sắc hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác ở hai khu vực và trên thế giới".

Đặc biệt tại cả hai nước Brazil và Cộng hòa Dominicana, trong niềm hân hoan, tự hào, phấn khởi, thành kính Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dâng hoa và tham dự Lễ khánh thành biển kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Santo Domingo Cộng hòa Dominicana.

Trên những con phố nơi đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh người dân Brazil, người dân Dominicana cùng đoàn đại biểu Việt Nam tay trong tay cùng hát vang những bài hát ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã cống hiến trọn đời vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, dân chủ và công bằng, tiến bộ xã hội.

Trong chuyến công tác này của Thủ tướng lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp hai bên đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội đàm nhằm cụ thể hóa các ký kết giữa hai nước với Việt Nam. Đặc biệt trong lần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Môi trường sống và Xây dựng Cộng hòa Dominicana Carlos Bonilla Sánchez để trao đổi xác định nội dung hợp tác hai bên cùng quan tâm và lập kế hoạch hành động triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát triển nhà ở và sản xuất vật liệu xây dựng, xúc tiến hợp tác giữa doanh nghiệp xây dựng hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam – Cộng hòa Dominicana.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp, thể hiện vai trò, uy tín, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu, đồng thời, tạo động lực mới cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam – Brazil và Việt Nam – Cộng hòa Dominicana tuy cách xa nhau nửa vòng Trái đất nhưng tình cảm hữu nghị nồng ấm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm nước Cộng hòa Dominicana
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm nước Cộng hòa Dominicana

VOV.VN - Tối ngày 21/11, giờ địa phương, tức sáng ngày 22/11 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Santo Domingo nước Cộng hòa Dominicana, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 2024 và thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm nước Cộng hòa Dominicana

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm nước Cộng hòa Dominicana

VOV.VN - Tối ngày 21/11, giờ địa phương, tức sáng ngày 22/11 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Santo Domingo nước Cộng hòa Dominicana, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 2024 và thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana

VOV.VN - Từ ngày 19-21/11/2024, Tổng thống Luis Rodolfo Abinader Corona cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Dominica đã đón Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana

VOV.VN - Từ ngày 19-21/11/2024, Tổng thống Luis Rodolfo Abinader Corona cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ Dominica đã đón Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhân dự G20
Thủ tướng tiếp lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhân dự G20

VOV.VN -  Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 7 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, gồm Tây Ban Nha, Paraguay, Canada, Singapore, UAE, Vatican, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhân dự G20

Thủ tướng tiếp lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế nhân dự G20

VOV.VN -  Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 7 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, gồm Tây Ban Nha, Paraguay, Canada, Singapore, UAE, Vatican, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).