Ba Dự án Luật gồm: Quy hoạch đô thị, Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Luật Cán bộ công chức.
Ngày 4/10, tại Ninh Bình, hơn 50 cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã dự cuộc tọa đàm về ba Dự án Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT), Luật Cơ quan đại diện (CQĐD) nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Luật Cán bộ công chức (CBCC) do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Đây là ba Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội (khóa XII) xem xét tại tại kỳ họp thứ tư sắp tới.
Về Dự thảo Luật QHĐT, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật này đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2008 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 24/9/2008. Việc xây dựng Luật được tiến hành trong điều kiện tốc độ đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra khá nhanh: Hiện nước ta có 743 đơn vị hành chính được xác nhận là đô thị, trong đó có 48 thành phố, chiếm 30% tổng dân số, 80% GDP, 100% các cơ sở giáo dục Đại học, nghiên cứu khoa học... Với 7 chương, 81 điều, Luật QHĐT được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Về dự án Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Tiến sĩ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, 5 năm trở lại đây, số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng đáng kể, từ con số 55 (1993) đến nay đã tăng lên 84, trong tổng số 169 quốc gia có quan hệ ngoại giao với nước ta. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 42 điều, được xây dựng theo nguyên tắc thể chế hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”; phù hợp và cụ thể hóa những nội dung cơ bản có liên quan và được quy định trong 3 Công ước Viên năm 1961, năm 1963 và 1975 và các điều ước quốc tế khác về ngoại giao, lãnh sự; đảm bảo các nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; kế thừa các nội dung còn giá trị trong thực tiễn của các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời bổ sung những kết quả nghiên cứu mới trong quan hệ quốc tế… Một số nhiệm vụ mới trong hoạt động đối ngoại như phục vụ cho phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, hợp tác về an ninh, ngoại giao văn hóa, đầu tư, du lịch…đã được pháp điển hóa trong Luật.
Về Luật CBCC, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng dự án Luật này là đổi mới một cách cơ bản hoạt động công vụ, công chức phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phù hợp với sự thay đổi vai trò nhà nước theo hướng: Nhà nước hiện nay không chỉ đơn thuần giữ chức năng quản lý mà đã bổ sung thêm chức năng phục vụ, đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Luật bảo đảm tính kế thừa Pháp lệnh Cán bộ công chức và tiếp tục hoàn thiện, phát triển đối với các quy định về công vụ, công chức; bảo đảm tính minh bạch, công khai và tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động công vụ, phù hợp với tình hình đặc điểm cụ thể của Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm, thành tựu khoa học của các nền công vụ tiên tiến trên thế giới.
Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí về sự cần thiết xây dựng ba Dự án Luật này, coi đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và Hội nhập quốc tế. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của mỗi Dự án và góp ý thêm về một số điều, khoản cụ thể. Về Dự án Luật QHĐT, qua phân tích và thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần có quy định về kiến trúc sư trưởng. Về dự án Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan đại diện đối với các công dân đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Về Luật CBCC, các đại biểu kiến nghị cần cân nhắc và làm rõ hơn về mặt quyền lợi và trách nhiệm, bảo đảm công bằng giữa công chức và viên chức; đồng thời cần có các chế tài cần thiết cho việc kiểm tra, giám sát và xử lý những công chức có vi phạm trong thực tế, bảo đảm cho bộ máy công chức thực sự trong sạch, phục vụ có hiệu quả cho dân và doanh nghiệp./.