“Tôi kính yêu Bác Hồ và muốn được làm theo Người“
VOV.VN - Đó là chia sẻ của tác giả "Nghìn việc tốt" đồng thời cũng là tâm niệm chung của những cá nhân tiêu biểu, sống vì cộng đồng, vì Tổ quốc.
20 gương cá nhân, 5 tập thể tiêu biểu đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 19/8.
Đó là những tấm gương tiêu biểu ở các lứa tuổi khác nhau, học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm sinh động, cụ thể. Đó là phi công với hàng nghìn giờ bay huấn luyện và cứu hộ an toàn; là chủ tịch xã với nhiều thành tích trong công tác chính quyền tại địa phương; là gương mặt trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thành công, hay là người nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn làm từ thiện giúp đỡ cho người nghèo và các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.v.v.
Làm điều có ích cho xã hội, đất nước
Một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác đó là cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (SN 1943, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội)- người được biết đến là Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng. |
Được nhận phần thưởng cao quý của người đứng đầu Chính phủ, ông Lâm Văn Bảng xúc động: “Đây là một dấu ấn, là một phần thưởng vô giá đối với tôi. Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tham gia quân đội, bị địch bắt tù đày cho đến khi được trở về sống trong hòa bình, tôi luôn tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cho đất nước theo lời dạy của Bác".
Với tâm niệm đó, ông Lâm Văn Bảng đã cùng với đồng đội đã xây dựng Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, thấy được sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng là những bằng chứng để tố cáo tội ác của đế quốc, để thấm thía lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập-tự do".
Từng bị địch bắt và đày ra Phú Quốc, sau chiến tranh được trở về cuộc sống thời bình, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng đã tập hợp một số cựu tù Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở Hà Nội, Long An, TPHCM… vào Nam ra Bắc sưu tầm tài liệu, hiện vật có giá trị.
Khi đã có tư liệu, ông vận động gia đình xây dựng Phòng truyền thống ngay trên đất của tổ nghiệp nhà mình. Phòng truyền thống ra đời, buổi đầu có 5 phòng với hơn 1000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, sau đổi tên là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - là một Bảo tàng tư nhân với phương châm 4 tự: Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm.
Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy. (Ảnh:Nguoihanoi.com) |
Sau bao nhiêu năm miệt mài, tìm kiếm hiện vật, đến ngày 11/10/2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã ban hành Quyết định về việc thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên. Đến nay, sau 13 năm hoạt động, với 10 phòng trưng bày hơn 4.000 hiện vật, mỗi năm, Bảo tàng đón hàng vạn du khách thăm quan, trở thành một địa chỉ đỏ lưu giữ, trưng bày, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đến nay, nhiều cơ quan đơn vị ở huyện Phú Xuyên và các nơi về tham quan, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, ông Lâm Văn Bảng cùng các đồng đội của mình đã đem hiện vật tổ chức triển lãm tại tỉnh Bắc Ninh, ngã tư Tràng Tiền, Hà Nội thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng đã được nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều tướng lĩnh quân đội về thăm.
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng chia sẻ, hòa bình hôm nay là sự đánh đổi cả tuổi thanh xuân, xương máu của biết bao thế hệ những người chiến sĩ cách mạng, những chàng trai, cô gái xung phong từ mọi miền đất nước. Hơn chục năm qua, ông và các đồng đội đã giữ lửa truyền thống cách mạng, giáo dục cho thế hệ trẻ về những năm tháng chiến tranh ác liệt.
“Chúng tôi rất mong muốn được cộng đồng, xã hội, nhất là những nhà chức trách quan tâm, giữ gìn những kỷ vật vô giá. Và đối với đất nước, đây là những tài liệu sống động, là bài học giáo dục thế hệ trẻ. Nếu tuổi trẻ hôm nay và ngày mai không thấy được sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Nhà nước, không thấy được sự hy sinh lớn lao của các anh hùng dân tộc và thiếu lòng yêu nước thì nguy cơ mất nước sẽ đến. Lúc đó không kẻ thù này thì kẻ thù khác sẽ xuất hiện. Vì vậy, việc giáo dục truyền thống yêu nước không phải của riêng ai, mà của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có trách nhiệm của những người cựu chiến binh như chúng tôi” – ông Lâm Văn Bảng chia sẻ.
Nhân lên cái tốt, cái xấu phải co lại
Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn (SN 1940, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) là tác giả của phong trào “Nghìn việc tốt” cũng là một trong 20 cá nhân điển hình được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ lần này. Ông nói, mỗi ngày đều học ở những người tốt, việc tốt xung quanh mình và thi đua với chính mình.
Nhà giáo nhân dân- Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn (người thứ 2 từ trái sang) tại cuộc giao lưu ngày 19/8. |
Mắc bệnh phong ở tuổi 30, trong 1.461 ngày điều trị tại Bệnh viện Phong Quỳnh Lập (Nghệ An), ông đã không để phí một ngày nào vừa điều trị vừa học tập và tổ chức lớp học tình thương cho các em học sinh.
Là người khuyết tật, đôi bàn tay hoàn toàn không còn cảm giác, không còn xòe ra được, ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương.
Từ khi về hưu, ông đã viết và in được 3.000 trang sách, hàng trăm bài báo. Ông Thìn được nhân dân tín nhiệm giao cho chức Trưởng Ban tuyên truyền, vận động xây dựng lại đền Đô - di tích Quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý - nơi Bác Hồ thắp hương cho các đức Vua và nói chuyện với bà con nhân dân.
Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn. (ảnh: Toquoc.vn) |
30 năm qua, giữ cương vị Trưởng Ban Tuyên truyền, ông Thìn cùng nhân dân đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại đền Đô - bây giờ là Di tích Quốc gia đặc biệt. Với mong muốn làm tốt trọng trách được giao phó, ông hăng say viết sách, làm phim, hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên.
“Tôi kính yêu Bác Hồ và muốn được làm theo Người. Phải làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước và để hoàn thiện mình tốt hơn lên. Bác đã từng dạy thiếu nhi nhưng cũng là lời dạy cho tất cả chúng ta, đó là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó chính là cái gốc của tình yêu, bản lĩnh, trí tuệ, đó cũng là cái gốc hướng tới của phong trào thi đua. Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, để cái xấu phải co lại” - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.
Noi gương theo Bác, thấy bà con khó khăn nên giúp đỡ
Còn nông dân Ngô Văn Đậu (56 tuổi, ở An Giang) luôn say mê làm kinh tế giỏi. Hiện gia đình ông Đậu có khoảng 20 ha mặt nước nuôi cá tra và cá lóc, mỗi năm đạt doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cùng với hàng trăm lao động thời vụ mỗi năm.
Đặc biệt, ông Đậu dành 9 ha đất lúa để cho thuê, lấy tiền làm “quỹ từ thiện” của gia đình. Người nông dân này cũng tự nguyện hiến đất xây nghĩa trang cho người nghèo, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí.
Nông dân Ngô Văn Đậu trên chiếc xe chuyển viện miễn phí cho người dân. Ảnh: TTXVN |
“Xuất thân nghèo khó, không tài sản, không đất đai nên tôi rất thấm thía nỗi cơ cực của cảnh nghèo. Chính vì vậy mà tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Gắn bó với công tác từ thiện xã hội hơn 20 năm, đôi lúc mệt nhưng rất vui vì được bà con quý mến, gia đình hạnh phúc” – ông Đậu nói.
Khi được hỏi điều gì thôi thúc anh làm như vậy, anh Đậu khiêm nhường nói: "Việc làm của tôi là thiết thực trong tâm, noi gương theo Bác. Thấy cô bác, anh em bà con khó khăn nên mình giúp đỡ bà con"
Mỗi người chọn cho mình một cách làm nhưng điểm chung nhất ở họ là luôn sống có ích, hướng thiện, nghĩ về cộng đồng, nghĩ về tương lai của đất nước. Họ không nề hà khó khăn, gian khổ, mỗi ngày làm một việc nhỏ để tích góp cho đời. Cứ lặng lẽ noi gương Bác với cái tâm thanh thản./.
Thủ tướng: Học tập và làm theo Bác phải thường xuyên và tự giác