Tổng Bí thư: Chống tham nhũng, vẫn còn tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên

VOV.VN - Tổng Bí thư chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong thời gian qua như vẫn còn một số vụ án, vụ việc chưa đảm bảo đúng tiến độ, tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên.

Sáng nay (5/8) tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng qua, xác định nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền Ban chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục không ngừng không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và sẽ cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý hơn. 

Báo cáo tại phiên họp, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, thời gian qua cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, xử lý, kiến nghị, kỷ luật 01 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 07 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý, Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644 ha đất: kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Theo đó, trong 6 tháng qua các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 đến nay, đã khởi tố mới 07 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 01 vụ án/07 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 02 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/20 bị cáo. Trong đó, đã khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 04 vụ án trọng điểm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; (3) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; (4) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan…

Thời gian tới để hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2021 và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu đến hết năm nay kết thúc điều tra 02 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 06 vụ án, xét xử sơ thẩm 09 vụ án, xét xử phúc thẩm 07 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 05 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; (2) Vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sai Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; (4) Vụ án “Đưa hối lộ"; “Môi giới hối lộ"; "Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; (5) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan…

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị tài liệu rất công phu, nghiêm túc, thận trọng, cung cấp tài liệu sớm đến các thành viên nghiên cứu trước để có điều kiện trao đổi, thảo luận. Nhận định, 6 tháng qua trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid -19 kéo dài, mặc dù vậy sau khi Ban chỉ đạo được kiện toàn, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục những khó khăn trở ngại, vừa phải phòng chống dịch vừa phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống tham nhũng, kết quả đã khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta không hề chững lại hay chùng xuống:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Mọi việc chúng ta tiến hành rất tốt, trong đó công tác phòng chống tham nhũng không ngừng không nghỉ, và trước đây khi chưa có tình hình mới này cũng có tâm trạng liệu có chùng xuống không, liệu có duy trì được mãi không?. Theo Tổng Bí thư, rõ ràng những việc chúng ta làm được trong 6 tháng vừa qua đã chứng minh cuộc chiến này không ngừng không nghỉ, thậm chí này càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và cho chúng ta thêm nhiều bài học đáng quý hơn, có nhiều kinh nghiệm tốt hơn".

Nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới còn rất nặng nề khó khăn, không thể chủ quan, lơ là bởi mong mỏi của nhân dân vẫn luôn quan tâm theo dõi sát sao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng luôn nảy sinh cái mới, yếu tố bất ngờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương Phòng về chống tham nhũng là chỉ đạo để làm những vụ án trọng điểm, những vụ án lớn, những vụ án có tác động sâu rộng tới toàn xã hội, với tinh thần là làm để răn đe, cảnh tỉnh, làm để các cơ quan, Bộ ngành địa phương làm theo, chứ Ban chỉ đạo Trung ương không làm thay các cơ quan chức năng.

“Đây gần như là một Ban Chuyên án giúp cho Ban Chỉ đạo chúng ta chứ không phải là thay thế. Khi cần Ban Chỉ đạo sẽ phân công, gần như một chuyên án. Một số vụ việc khó, mà rõ ràng vừa qua đã giải quyết được bao nhiêu việc. Các cơ quan chức năng, dù không có Ban chỉ đạo, trước đây người ta vẫn phải làm. Trong Ban chỉ đạo hầu hết tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên TW Đảng, các cơ quan tư pháp, các cơ quan quản lý quan trọng là thành viên Ban chỉ đạo, có đủ thẩm quyền, có đủ kinh nghiệm, có đủ kiến thức để chúng ta làm những việc này. Tôi muốn nói như vậy để chúng ta thống nhất với nhau quan điểm như thế chứ không phải là làm một vài vụ việc này xong thì thôi"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng, hiện nay cùng với Trung ương, các cơ quan chức năng, các Bộ ngành địa phương đã làm, triển khai rất đồng bộ công tác phòng chống tham nhũng từ các khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các ngành công an, quân đội, Tòa án phối hợp với nhau nhịp nhàng, mặc dù trong quá trình làm bao giờ cũng có ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng tinh thần là trao đổi hết trong nội bộ thẳng thắn, sau đó thống nhất vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước thì phải tìm tiếng nói chung, nghĩa vụ phải đi đôi với trách nhiệm tạo sự đồng thuận cao trong chỉ đạo điều hành. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây chính là kinh nghiệm để triển khai thực hiện nhân rộng trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo.

"Tổng hợp lại thành bài học, thành kinh nghiệm, tôi muốn nói tầm ấy chứ không đi vào từng vụ việc cụ thể, vụ án cụ thể, đó rất là mừng.  Cho nên qua đây cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu và rõ ràng vừa qua chúng ta đã làm một cách có bài bản, có kịch bản. Lúc đầu là khó, Ủy ban kiểm tra vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm, phát hiện ra thì xử lý kỷ luật về Đảng trước, kỷ luật về Đảng, rồi kỷ luật hành chính rồi đến xử lý hình sự. Rõ đến đâu làm đến đấy, cuối cùng xử hết. Đây là kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn”- Tổng Bí thư chia sẻ

Chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong thời gian qua như vẫn còn một số vụ án, vụ việc chưa đảm bảo đúng tiến độ, tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên, hay sự phối hợp giữa các các cơ quan chức năng chưa nhuần nhuyễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, thời gian tới phải khắc phục cho được tình trạng này, đồng thời các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN trên tinh thần là kiên quyết hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, không ngừng không nghỉ và liên tục.

“Sắp tới phải làm sao Ban Chỉ đạo chúng ta tất cả các ngành, các cấp phải đồng bộ thì mới được. Sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị mới là quan trọng, có phải Ban chỉ đạo làm hết được đâu. Bây giờ đúng vai thuộc bài rồi, có kinh nghiệm rồi, huy động được các đoàn thể quần chúng, Mặt trận vào cuộc và nhân dân phải tham gia vào đây thì chúng ta mới thắng được, cho nên là phải tiếp tục đẩy mạnh làm tốt hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa, khắc phục những khâu yếu, việc khó, phải chú ý khâu tự kiểm tra, tự xử lý. Muốn như thế thì phải giao và yêu cầu các cấp dưới phải làm, phát động thành phong trào PCTN trong toàn xã hội"- Tổng Bí thư nói.

Cho ý kiến về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý, Ban Chỉ đạo thống nhất thêm chữ “Tiêu cực” thành Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, tiêu cực bởi trước kia có đề xuất lãng phí, tiêu cực nhưng cần hiểu lãng phí là một việc cụ thể, tiêu cực ở đây nguy hiểm hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, chính điều này dẫn đến các hành vi tham nhũng:

"Một cán bộ Đảng viên bao nhiêu năm công tác đã từng là thế nọ thế kia, bây giờ lập ra tổ chức này, tổ chức kia, chống lại Đảng. Thế ta có làm không, thế này còn tệ hại hơn là tham nhũng. Cho nên chữ "tiêu cực", tôi hiểu theo nghĩa đó, lãng phí là một chuyện cụ thể thôi, chứ còn từ cái này dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa là hệ quả. Nếu suy thoái về tư tưởng chính trị thì anh tự diễn biến, tự chuyển hóa và rồi mất cả cán bộ, gây hậu quả lớn vô cùng. Tôi đề nghị nếu chúng ta chống được điều này còn quan trọng hơn cả tham nhũng tiền bạc vì tiền bạc còn có thể thu lại được chứ con người mà mất phẩm chính trị, phản bội thì khó lắm.”

Tại phiên họp, Ban chỉ đạo cũng xem xét, cho ý kiến ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Theo đó, Quy định gồm 05 chương, 24 điều, quy định về mục đích, nguyên tắc, chủ thế, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể, đối tượng, kiểm tra, giám sát; quy trình kiểm tra, giám sát; tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực. Và thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, bên cạnh đó cũng giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc việc xử lý 01 vụ việc, 02 vụ án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hôm nay, Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng
Hôm nay, Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống, tham nhũng sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác 6 tháng qua.

Hôm nay, Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

Hôm nay, Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

VOV.VN - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống, tham nhũng sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác 6 tháng qua.

Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?
Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?

VOV.VN - Các Hiệp định Tương trợ Tư pháp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.

Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?

Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?

VOV.VN - Các Hiệp định Tương trợ Tư pháp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.

Chặn tẩu tán tài sản tham nhũng: Trao thêm quyền cho lực lượng chức năng
Chặn tẩu tán tài sản tham nhũng: Trao thêm quyền cho lực lượng chức năng

VOV.VN - “Cần phải bổ sung thêm quyền hạn, gắn liền với trách nhiệm cho các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, kiểm tra để họ có thẩm quyền áp dụng những biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong giai đoạn sớm nhất".

Chặn tẩu tán tài sản tham nhũng: Trao thêm quyền cho lực lượng chức năng

Chặn tẩu tán tài sản tham nhũng: Trao thêm quyền cho lực lượng chức năng

VOV.VN - “Cần phải bổ sung thêm quyền hạn, gắn liền với trách nhiệm cho các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, kiểm tra để họ có thẩm quyền áp dụng những biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong giai đoạn sớm nhất".