Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng
VOV.VN - Đến nay, Tiểu ban văn kiện đã nhận được báo cáo tổng hợp gửi ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Hội đồng lý luận Trung ương, một số tổ chức đảng và cá nhân.
Chiều nay (11/9), tại Văn Phòng Trung ương Đảng, Tiểu ban văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã họp tiếp thu ý kiến của một số tổ chức đảng và cá nhân, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban văn kiện chủ trì phiên họp.
Cùng dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên tiểu ban.
Theo báo cáo của Tiểu ban văn kiện, sau khi Ban chấp hành Trung ương cho phép gửi bản tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến của đại hội cấp cơ sở và toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương.
Đến nay, Tiểu ban văn kiện đã nhận được báo cáo tổng hợp gửi ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Hội đồng lý luận Trung ương, một số tổ chức đảng và cá nhân. Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ biên tập cập nhật tình hình, nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo báo cáo trình Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Tại phiên họp, các thành viên tiểu ban văn kiện tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về 7 vấn đề đó là Chủ đề của Đại hội 13; về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12; về dự báo tình hình; về quan điểm chỉ đạo; về mục tiêu phát triển; về các đột phá chiến lược và về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực.
Đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của các tổ chức đảng và cá nhân cùng các ý kiến của các thành viên tiểu ban văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban văn kiện cũng hoan nghênh Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Phiên họp này cũng chỉ là một bước, còn có những ý kiến khác nhau về các vấn đề và chưa phải là kết luận cuối cùng do đó cần tiếp tục tiếp thu, chắt lọc để bổ sung hoàn thiện Dự thảo thực sự có chất lượng sau đó lấy ý kiến nhân dân sau đó trình Đại hội.
“Văn kiện Đại hội là văn kiện rất quan trong, không phải là Nghị quyết của Trung ương dù Nghị quyết Trung ương là quan trọng rồi, cũng không phải của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội hay ngành nào mà là của Đại hội Đảng toàn quốc 5 năm 1 lần. Đây là văn bản có tính chính trị, tính lý luận… rất cơ bản, rất quan trọng, còn lưu mãi trong lịch sử”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn kiện mang tính chính trị, tính lý luận, tính chỉ đạo cho một giai đoạn lâu dài chứ không phải trước mắt, do đó cần tránh những sơ hở, phải làm đi làm đi làm lại nhiều lần. Dự thảo này không phải tới đây là xong mà còn tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân và trình Hội nghị trung ương sắp tới thảo luận góp ý. Đề cập những vấn đề cụ thể còn nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng…Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng văn kiện cần phải cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu.
“Phải hết sức chú ý, văn kiện phải mang tầm chiến lược, tính lý luận, tính chính trị rất cao, đồng thời phải có tính quần chúng, giản dị ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra. Chiến lược nhưng thực hiện được ngay, lý luận nhưng phải rất thực tiễn, rất bác học tiếp cận những cái mới nhưng dân phải hiểu được, cố gắng đừng mang tính học thuật, khó hiểu gây hiểu lầm và tranh cãi không cần thiết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Báo cáo chính trị là trung tâm, tất các báo cáo khác phải theo quan điểm của báo cáo chính trị làm nòng cốt, chính vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ, rất sâu, đọc nhiều, trao đổi nhiều với tinh thần khách quan. Vấn đề gì đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì đưa vào dự thảo báo cáo, những gì còn có ý kiến khác nhau, còn mới đang nghiên cứu thì cần thận trọng.
Đặc biệt việc dùng câu chữ và thuật ngữ làm sao cho đúng cho chuẩn xác như đổi mới, sáng tạo, kinh tế số, chính phủ số là gì cần được cụ thể hóa để dễ hiểu tránh suy diễn. Về mục tiêu phát triển, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ nội hàm, mục tiêu phấn đấu.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Tổ biên tập cần tiếp thu chắt lọc các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương tới thảo luận và cho ý kiến./.