Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
VOV.VN - Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024), chiều 16/4, tại Hà Tĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Trên cơ sở phát biểu đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng hội thảo đã nghe các tham luận khẳng định, những vấn đề lớn về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú đều thể hiện rõ “ý chí chiến đấu”. Mới 6 tuổi, Trần Phú đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống tự lập, vất vả từ tuổi ấu thơ. Thế nhưng, khác với những người đỗ đạt đương thời, đồng chí Trần Phú đã chọn cho mình một lý tưởng sống hết sức cao đẹp là chấp nhận gian khổ, hy sinh, ngay cả khi làm thầy dạy chữ ở thành phố Vinh.
Trưởng ban Tuyên giáo Hà Tĩnh Hà Văn Hùng khẳng định: “Điểm khác biệt giữa thầy giáo Trần Phú với các thầy giáo cùng thời chính là không coi học trò thi cử đậu đạt cao, làm quan to là vinh hiển của người thầy mà mục đích chính là góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm những việc có ích cho dân, cho nước. Ngoài việc dạy học, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vũ Quang; thăm núi Dũng Quyết, nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung Đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh… Qua đó đã truyền cho trò ngọn lửa tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Nhiều học trò của Trần Phú sau này đã trưởng thành, có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai”.
Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng đã tập trung làm sáng tỏ 5 vấn đề lớn là: Đồng chí Trần Phú từ người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; Người cộng sản kiên trung, bất khuất; Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh; và Phát huy chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Trên cương vị Tổng Bí thư, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng trên cả ba lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
PGS, TS Bùi Đình Phong, Ủy viên Hội đồng khoa học, nguyên giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu lên cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng: “Đó là đồng chí Trần Phú đã nêu lên một cái chí khí chiến đấu, phải giữ vững chí khí chí khí chiến đấu. Đó là gì, đó chính là bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đảm bảo vệ sống còn của Đảng; và bảo vệ Đảng có nghĩa là bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Chính chí khí chiến đấu đó sống mãi đến ngày nay của chúng ta. Nếu ta gọi một điều mà học theo tinh thần chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú thì đó chính là bây giờ chúng ta phải tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, chúng ta phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Đấy chính là chúng ta đang làm theo những lời dặn về chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú”.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, cuộc đời đồng chí Tồng Bí thư Trần Phú là hiện thân cao đẹp của tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng ngời về tinh thần tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.