TP Thủ Đức - Cú hích cho phát triển mô hình “thành phố trong thành phố"
VOV.VN - TP Thủ Đức xác định khi thực hiện Nghị quyết 98 phải có trọng tâm trọng điểm, phải có kết quả trong nâng cao bộ máy công vụ để đáp ứng yêu cầu.
Từng bước triển khai Nghị quyết 98, TP Thủ Đức sau hơn 2 năm thành lập dù có nhiều kết quả khá nổi bật, nhưng nhìn chung vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Do đó, với việc Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội được xem là cú hích để mô hình “thành phố trong thành phố" này phát triển đúng như kỳ vọng. Hiện TP Thủ Đức và TP.HCM đang chạy đua để có thể triển khai hiệu quả Nghị quyết 98.
Vui gấp đôi nhưng cũng nhiều âu lo
Vui hơn, phấn khởi hơn đó là tâm lý của cán bộ, công chức viên chức và các tầng lớp nhân dân TP Thủ Đức khi Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù TP.HCM được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/8. Ông Hồ Xuân Sắc, ở TP Thủ Đức cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 nếu như với người dân TP.HCM vui một thì với mỗi công dân Thủ Đức, niềm vui như nhân đôi, bởi từ đây, TP Thủ Đức sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
“Chúng tôi kỳ vọng về bộ máy tổ chức của TP Thủ Đức, kỳ vọng về cải cách hành chính và nhất là Nghị quyết cần phải triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để cùng chia sẻ, cùng có trách nhiệm với lãnh đạo thành phố”, ông Sắc nói.
Người dân cũng đánh giá từ khi TP Thủ Đức thành lập đến nay, đời sống chưa có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, vẫn còn tình trạng đường sá hư hỏng, kẹt xe, ngập nước… Do đó, người dân kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ giải quyết các điểm nghẽn. Bà Phan Thị Việt Thu, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nói, với cơ chế chính sách mới người dân TP Thủ Đức sẽ được hưởng nhiều sự phát triển. Quan trọng là với cơ cơ chế thuận lợi được trao thêm, liệu TP Thủ Đức sẽ tận dụng cơ hội đó như thế nào trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, hiện chính quyền thành phố này đã từng bước chuẩn bị cho các đầu việc cần thiết. Địa phương đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tập trung vào bốn nhóm: y tế, giáo dục, thể dục - thể thao và văn hóa - xã hội. TP Thủ Đức sẽ cùng Sở Giao thông Vận tải đề xuất triển khai các tuyến đường giao thông, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại TP Thủ Đức.
Địa phương này cũng quan tâm việc áp dụng mô hình TOD, rà soát quỹ đất dọc tuyến Metro số 1 đồng bộ với phát triển đô thị hai bên, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến này. Đặc biệt, để thực hiện các mục tiêu trên, trong tháng 9/2023, HĐND TP.HCM sẽ xem xét thông qua tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức.
“Dự kiến tháng 9/2023, UBND TP Thủ Đức sẽ trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tổ chức bộ máy của UBND TP Thủ Đức. Đây là bước ngoặt quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quản lý, điều hành và phát triển của TP Thủ Đức trong thời gian tới”, theo ông Tùng.
Cần bộ máy đủ tầm để thực hiện Nghị quyết hành động
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cho biết, trong Nghị quyết 98 đã dành một điều để quy định về cơ chế, phân cấp, phân quyền cho HĐND UBND TP Thủ Đức. Một số nội dung quản lý nhà nước thì trước đây do các sở, ngành của TP thực hiện thì lần này phân cấp cho TP Thủ Đức, trên tinh thần làm sao phát huy được tính năng động, sáng tạo trong quản lý phát triển một mô hình “thành phố trực thuộc thành phố” đầu tiên của cả nước.
Theo ông Trần Du Lịch, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, cơ chế đã được Nghị quyết 98 phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức phải đáp ứng một số yêu cầu. Đó là TP Thủ Đức phải ban hành các nghị quyết, quyết định trong việc tổ chức lại và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn… Ví dụ như vấn đề quy trình, thủ tục, thẩm định chủ trương đầu tư quyết định đầu tư phê duyệt dự án, nếu trước đây UBND TP Thủ Đức phải trình HĐND TP quyết định, thì Nghị quyết 98 phân cấp cho Thủ Đức; vấn đề tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học công nghệ.
Ngoài ra, HĐND TPHCM cũng phải ban hành một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên môn của Thủ Đức. Để triển khai được cần có một nghiên cứu liên quan đến tổ chức bộ máy một cách hiệu quả, ngang tầm với những nội dung mà được phân cấp phân quyền. TS Trần Du Lịch cho biết, Hội đồng tư vấn cũng sẽ theo dõi, bám sát những vấn đề phát sinh chắc chắn không thể tránh khỏi trong triển khai Nghị quyết 98 đối với TP Thủ Đức để khuyến nghị các giải pháp cần thiết.
“Đây là một thử thách. Vấn đề tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính của TP Thủ Đức theo nhiệm vụ mới không có nghĩa là cộng công việc, mà phải tổ chức bộ máy phù hợp về năng lực, trình độ, bảo đảm hiệu quả để có thể thực thi được cơ chế phân cấp, phân quyền”, TS. Trần Du Lịch chỉ ra.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục đánh giá, cân đối khả năng nguồn lực chọn giải pháp và lộ trình phù hợp. Khi thực hiện Nghị quyết 98 phải có trọng tâm trọng điểm, phải có kết quả. Đặc biệt là phải nâng cao bộ máy công vụ để đáp ứng yêu cầu khi thực hiện Nghị quyết 98, đây là yêu cầu chung với cả bộ máy của TP.HCM và nhất là với TP Thủ Đức. Làm sao để khi sắp xếp thì tránh chồng chéo, cồng kềnh…, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia.
“Đây là Nghị quyết hành động, kết quả của nó phải được đo bằng các sản phẩm cụ thể, mang lại đóng góp nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân, cho sự phát triển của thành phố. TP.HCM rất quan tâm đến việc củng cố nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng công vụ để bộ máy thực thi cho tốt”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Ngày 12/8, HĐND TP Thủ Đức đã họp và thống nhất thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức, để tăng cường chức năng giám sát trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đô thị. Đây là một bước cụ thể tiếp theo nhằm kiện toàn, hoàn thiện bộ máy của “thành phố trong thành phố” đầu tiên trong cả nước, tận dụng triệt để Nghị quyết 98 để phát triển đột phá trong thời gian tới.