TP.HCM cần cơ chế vượt trội để khai phóng nguồn lực phát triển
VOV.VN - Sáng nay (30/3), Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/QH2017/QH14 vế thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì buổi tọa đàm.
Cần cơ chế vượt trội, đột phá
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo nghị quyết mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 theo quy trình một kỳ họp.
Nếu như được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5, TP.HCM sẽ trình HĐND thành phố kỳ họp gần nhất để triển khai một số chính sách, cơ chế.
Theo ông Phan Văn Mãi, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 phải làm sao khai phóng hết các nguồn lực phát triển để thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đó là thành phố không chỉ là một cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế của cả nước; không chỉ là một địa phương của Việt Nam mà còn là địa phương có năng lực cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực… Do đó, Nghị quyết lần này tập trung nhiều vào các cơ chế đột phá, vượt trội.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định, những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề của mình nhanh hơn. Đây cũng là tiền đề để sau này Trung ương phân cấp, phân quyền cho các địa phương khác.
Trong Nghị quyết mới có 40 nội dung chia thành 4 nhóm là những cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 tiếp tục thực hiện; nhóm cơ chế ở các địa phương khác đang thí điểm; nhóm cơ chế dự kiến đưa vào sửa đổi các luật, TP thí điểm thực hiện trước và nhóm cơ chế, chính sách mới do thành phố đề xuất và Trung ương gợi ý, đặt hàng.
"Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không đặt nặng ở chỗ khai thác nguồn thu, mà ở đây xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của TP.HCM, để thành phố phát triển. Đây là điểm khác rất cơ bản"-Ông Phan Văn Mãi nói.
Trao quyền nhiều hơn
Phát biểu tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định, cơ chế đột phá cho TP.HCM chính là tạo động lực phát triển không chỉ của thành phố mà còn cho khu vực và cả nước. Theo GS - TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM, nghị quyết mới cần tiếp cận theo hướng “trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn”.
Muốn như thế thì lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở ngành phải có động lực phụng sự hơn; cần khai thác các nguồn lực khác như nhân lực, văn hóa lịch sử, môi trường đầu tư, địa kinh tế…trong bối cảnh tài nguyên về đất đai hạn hẹp.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về cách tiếp cận của nghị quyết mới, có vẻ chỉ dừng lại ở tư duy hệ thống pháp luật, chưa có các đề xuất đột phá. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị thành phố khi soạn thảo đề xuất cần xin Quốc hội giao cho TP.HCM triển khai các vấn đề về kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử; tiên phong trong việc phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm để nâng cao tính sáng tạo.
PGS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright cho rằng, các chính sách, các "đề bài" của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 hay nhưng sẽ gặp cản trở từ các luật, nghị định, thông tư… Do đó, thành phố cần nghiên cứu cụ thể 40 nội dung để nâng cao tính khả thi./.