TP.HCM họp mặt kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
VOV.VN - Những trận đánh lẫy lừng trong xuân Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.
Sáng nay (6/1), TP.HCM tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM khẳng định, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới, là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, ý chí và quyết tâm chống Mỹ cứu nước, tinh thần một quốc gia thống nhất của nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định -TP.HCM.
Những trận đánh lẫy lừng trong xuân Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã tạo nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM mãi mãi tri ân, biết ơn các vị lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Để tiếp nối xứng đáng những thành quả thế hệ cha anh đã giành được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn “vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để xứng đáng với một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử 55 năm trước, ông Phan Văn Hôn, chiến đấu viên Đội 5, Biệt động Sài Gòn, đơn vị tấn công Dinh Độc Lập, vẫn không quên ký ức ngày 29 Tết năm đó. Thời điểm đó, Đội 5 của ông có 15 người, chia làm nhiều tốp, bằng nhiều phương tiện tập trung tại căn nhà số 287/70 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, để nhận nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập. Đây là trận đánh lớn vào địa điểm quan trọng bậc nhất của địch, có lực lượng mạnh bảo vệ, đông gấp nghìn lần so với đơn vị mình. Trận đánh không chỉ đòi hỏi lòng quyết tâm, dũng cảm mà còn cả sự hy sinh.
Ông Hôn chia sẻ, tâm niệm của người chiến sĩ biệt động lúc đó là "Đảng cần, đơn vị cần, các chú, các anh cần thì chúng tôi sẵn sàng, không một chút đắn đo suy nghĩ. Bằng ý chí quyết tâm đó, toàn đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 9/15 người đã hy sinh kể cả chỉ huy Tô Hoài Thanh".
Ông Phan Văn Hôn bày tỏ: “Là một người lính, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi không có suy nghĩ gì khác hơn tinh thần chiến đấu, tinh thần phục vụ nhân dân. Quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, chiến đấu vì nhân dân. Riêng những người chiến đấu bên cạnh tôi, tôi day dứt nhớ mãi bao nhiêu năm rồi không quên được, sự hy sinh lúc đó của anh em tuổi đời vẫn còn trẻ mới 19, 20 tuổi, nhưng rất dũng cảm. Hình ảnh đó, tiếng nói, nụ cười của tất cả anh em, không bao giờ tôi lãng quên được”./.