TP.HCM thuận lợi trong chia tách, sáp nhập các khu phố
VOV.VN - Hiện nay, việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết 11 của HĐND TP đang được tiến hành khẩn trương và nghiêm túc, nhận được sự ủng hộ của nhân dân cũng như sự đồng lòng, hưởng ứng của những người quanh năm “vác tù và hàng tổng”.
Thông tư tưởng những “người vác tù và hàng tổng”
Ông Phạm Ngọc Trang, 72 tuổi, từng có 3 nhiệm kỳ hoạt động ở khu phố, trong đó 2 nhiệm kỳ là Bí thư chi bộ khu phố kể: Ngày xưa khi còn làm công chức cứ nghĩ việc ở khu phố, tổ dân phố không nhiều và đơn giản. Khi về hưu, tham gia làm, ông mới thấy việc phức tạp, nhiều và điều hành không khác gì một thành phố, một địa phương thu nhỏ khi có đầy đủ tất cả các đầu việc như xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội… Trong đợt sáp nhập, chia tách khu phố lần này, ông Phạm Ngọc Trang được tin tưởng tiếp tục làm Bí thư chi bộ Khu phố 18 của phường Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức).
Ông Trang cho biết, trong đợt này cũng có khá nhiều người dù vẫn tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn cống hiến nhưng do lớn tuổi, đi lại khó khăn, lại không theo kịp với sự phát triển của công nghệ nên đã vui vẻ dừng lại.
Còn những người ở lại tiếp tục cống hiến hết mình cho sự phát triển của quê hương đất nước với một tâm thế mới, với những điều kiện tốt hơn, tiếp tục trau dồi kiến thức, học hỏi công nghệ để theo kịp thời đại.
“Trước đây, chúng tôi làm chủ yếu là cống hiến thôi, không nói đến chuyện hưởng thụ đâu. Nhưng làm việc này thì mới có điều kiện để nhắc nhở anh em rằng, với mức lương như vậy cũng là tương đối rồi, anh em phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát dân hơn. Bởi khi anh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà trình độ thấp và thời đại bây giờ nếu giải thích không đến nơi đến chốn thì không thấm được”, ông Phạm Ngọc Trang cho biết.
Làm việc ở khu phố, tổ dân phố, đa số là những người cao tuổi, chủ yếu là hưu trí tích cực tham gia hoạt động của địa phương. Từ trước đến nay, chế độ chính sách, tiền lương và các khoản phụ cấp cho những cán bộ không chuyên trách này là không nhiều, đôi khi chỉ mang tính tượng trưng.
Sau đợt sáp nhập này, TP.HCM sẽ không còn tổ dân phố và một bộ phận cán bộ đang làm ở tổ dân phố, khu phố phải nghỉ. Dù những người quanh năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này cũng vui vẻ đón nhận nhưng chắc chắn tâm tư là chuyện không tránh khỏi.
Nắm được điều đó, hiện nay, việc công bố Nghị quyết 11 của HĐND TP.HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp được tất cả 312 xã phường, thị trấn tại TP.HCM tổ chức một cách trang trọng, ấm áp, tôn vinh những con người đã cống hiến cả đời cho sự phát triển của địa phương.
Ông Văn Công Hải Triều, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận phường Tân Định, Quận 1 cho biết, thời gian qua, phường tăng cường vận động, tuyên truyền, giải thích đây là thực hiện chủ trương của Trung ương và ở TP.HCM là Nghị quyết 11. Ngoài ra, phường cũng có hoạt động quan tâm chăm lo, thực hiện theo hướng dẫn của TP. Theo đó, người hoạt động dưới 10 năm sẽ được phường khen thưởng, tặng quà tri ân. Với người làm từ 10 - 30 năm đề xuất cấp quận và trên thì đề xuất cấp thành phố.
Thực tế cũng là tri ân thôi, quà cáp tri ân, vận động, động viên chứ không thể bằng vật chất mà nói hết vấn đề. Thực ra nhân sự không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố đều làm bằng tâm huyết, nhiệt tình. Giống như ngày xưa ông bà nói “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên các cô các chú cũng vui vẻ chấp nhận chủ trương chung”, ông Văn Công Hải Triều cho hay.
Tập trung giải quyết các vấn đề sau sáp nhập, thành lập mới
Không thể phủ nhận vai trò cầu nối của tổ dân phố - tổ nhân dân trong gần 5 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự đổi mới của các quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy định về thực hành dân chủ cơ sở, đặt ra yêu cầu phải thực hiện việc sắp xếp khu phố theo quy định của Trung ương và TP.HCM.
Thực hiện Nghị quyết 11, sẽ có 299/312 phường, xã, thị trấn thuộc TP Thủ Đức và 21 quận, huyện sắp xếp lại. Sau khi hoàn hiện sắp xếp, TP.HCM sẽ có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới (từ 27.377 tổ chức, giảm còn 20.516 tổ chức); tinh giản nhân sự từ gần 64.300 người xuống còn khoảng 43.800 người (giảm hơn 20.000 người); giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phải kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Đồng thời, báo cáo ngay cho cấp ủy cao hơn để kịp giải quyết, không để phát sinh phức tạp.
TP.HCM sẽ tổng kết, khen thưởng, hoàn thành công tác thực hiện Nghị quyết 11 này vào cuối quí II hoặc đầu quý III. TP dự kiến sẽ khen thưởng, tặng quà tri ân kèm thư Tri ân của Chủ tịch UBND TP.HCM cho khoảng 64.300 cá nhân có nhiều thành tích khi tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Đề nghị tập trung quan tâm để làm sao chúng ta ổn định tình hình, trước hết là tư tưởng, tâm tư, tình cảm của cán bộ, của người nghỉ, của người tiếp tục làm và chúng ta chuẩn bị. Mặc dù đã triển khai từ trước đến giờ, nhưng đây là thời điểm cao điểm và có thể xảy ra các vấn đề phát sinh. Do vậy, chúng ta cần có sự tập trung lãnh đạo, trực tiếp ở đây là các cấp ủy cơ sở”.
Việc chia tách, sáp nhập các khu phố đang được triển khai rất thuận lợi tại các địa phương của TP.HCM. Với mô hình nào thì vẫn rất cần phát huy vai trò của cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, tạo điều kiện để lực lượng này hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân -chính quyền trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM.