Thành viên Chính phủ cần khẩn trương thực hiện lời hứa

Quốc hội ghi nhận một số giải pháp mà Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội.

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII được Quốc hội thông qua chiều 21/6 nêu rõ: Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3 khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết trước Quốc hội và có báo cáo kết quả gửi các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thành viên Chính phủ đã cam kết tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất; chính sách giá trong đền bù giải phóng mặt bằng; quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị; tình trạng sử dụng đất lãng phí; bảo đảm đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII;

Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp từ nay đến 31/12/2012 tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm và công bố công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng; trước hết là các vụ việc về đền bù, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi;

Cơ quan chức năng phải có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông..., tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Nghị quyết đề cập: Huy động nguồn lực của cả nước, toàn dân, toàn quân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội;

Từng bước hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả Đề án tái cơ cấu đầu tư công; đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp; xử lý đồng bộ các vấn đề về cơ chế chính sách, phân cấp quản lý, huy động nguồn lực, bảo đảm tăng cường chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn và giải quyết các bất cập, yếu kém trong đầu tư công;

Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm tăng tổng mức đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác;

Hoàn thiện thể chế và cơ chế pháp lý về quản lý các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tập trung vào các vấn đề về đại diện chủ sở hữu; phân cấp và làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý tổng hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; cơ chế giám sát tài chính đối với Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả giám sát từ bên ngoài và giám sát nội bộ); đặc biệt quan trọng là Quy định về nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ của từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước;

Tăng cường giám sát, kiểm tra, cơ cấu lại, xử lý các tồn tại ở các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; xác định lộ trình thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; bảo đảm để các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc điều tiết thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao;…

Trong lĩnh vực công thương, thành viên Chính phủ đã cam kết thực hiện các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt; từng bước hạ lãi xuất tín dụng, tăng tín dụng ở mức hợp lý; cơ cấu lại nợ và tập trung giải quyết nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế;

Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững;

Khẩn trương rà soát quy hoạch ngành điện và quy hoạch phát triển thủy điện; loại bỏ hoặc dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn các công trình thủy điện. Rà soát, giải quyết dứt điểm, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện, bảo đảm nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững;…

Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, nhất là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các loại tội phạm nguy hiểm khác, bảo đảm môi trường bình yên cho nhân dân, cho phát triển kinh tế - xã hội;

Lực lượng công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục củng cố thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, nạn mãi lộ, tệ nạn khác, tai nạn; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;

Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này và những chất vấn khác được gửi đến trong thời gian giữa hai kỳ họp để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức các phiên họp giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách được cử tri kiến nghị và đại biểu Quốc hội chất vấn;…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ liên quan; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên