“Trị bệnh tham nhũng - không thể xoa bóp ngoài da”

Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã nhận định: Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước.

Tham nhũng dễ nảy nở từ chức quyền

Trong phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn. Đó là lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm.

Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, xử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ… của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

“Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì người được giao quyền rất dễ “xúc động” trước những nguồn lợi béo bở đó, trong khi các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, các cơ sở giáo dục đang thiếu nghiêm trọng”, đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường “chính ngạch” mà thường đi theo các con đường “tiểu ngạch” là những người thân trong gia đình, bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau; dùng phép thuật nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán “hỏi thăm”.

Và thực tế, hành vi hối lộ, tham nhũng lại được che đậy bằng những mỹ từ thân thiện: Quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là tặng căn hộ, ô tô khi lên chức.

Trị bệnh nan y phải dùng biệt dược

Có một nguyên lý trong phòng, chống tham nhũng mà đôi khi chúng ta lãng quên, đó là ở đâu có điều kiện phát sinh tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Vì người có quyền thường dễ lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Các PMU 18, Vinashin, Vinaline là những bài học đắt giá.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những “Bao công” quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.

Trước kỳ họp thứ 3, sáng 4/5, tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - đã nói: “Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm rất cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi…, nhưng có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không? Đây là vấn đề cốt lõi vì bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa. Đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da”.

Trước đó, tong đợt tiếp xúc cử tri Quận I (TPHCM) sáng 2/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời cử tri về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh: “Chức vụ càng cao thì sự chuyển biến về nhận thức và hành động phải càng cao. Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao”.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, đây có lẽ vừa là nguyên nhân, vừa là bài học sâu sắc trong phòng, chống tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên