Tròn 60 năm quan hệ Việt Nam- Ai Cập: Mục tiêu thương mại 1 tỉ USD trong tầm tay
VOV.VN - Đại sứ Amal Salama cho biết: “Tôi có một niềm tin là hai nước có thể nâng trao đổi thương mại lên 1 tỉ USD thậm chí còn cao hơn nữa trong thời gian ngắn tới nếu như chúng ta khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh về kinh tế hay du lịch của nhau".
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Câp (1/9/1963 – 1/9/2023), Đại sứ Amal Salama cho biết kể từ khi Việt Nam và Ai Cập thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao, tới kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch... Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao để định hình hợp tác hai nước, trong đó có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam năm 2017 của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi và chuyến thăm cấp nhà nước tới Ai cập một năm sau đó của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Mục tiêu thương mại 1 tỉ USD trong tầm tay
Theo Đại sứ Amal Salama, chính mối quan hệ chính trị tốt đẹp là tiền đề để hai nước thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương, thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, hàng hải… Hiện hai nước đang mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo. Hai nước cũng đang đàm phán tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực môi trường, giáo dục và giao thông, hợp tác địa phương, phát thanh truyền hình (với Đài Tiếng nói Việt Nam), và một số lĩnh vực khác.
Tuy nhiên Đại sứ Amal Salama cũng cho rằng hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của nhau để nâng tầm hợp tác song phương, khi trao đổi thương mại hai chiều còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 600 triệu USD vào năm 2022.
Đại sứ Amal Salama cho biết: “Tôi có một niềm tin là hai nước có thể nâng trao đổi thương mại lên 1 tỉ USD thậm chí còn cao hơn nữa trong thời gian ngắn tới nếu như chúng ta khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh về kinh tế hay du lịch của nhau, cũng như thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thông qua tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam hay tại Cairo và Alexandria của Ai Cập. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp Ai cập và họ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.”
Để đạt được mục tiêu trên, Đại sứ gợi ý hai nước tạo điều kiện để các sản phẩm thế mạnh hai nước tiếp cận thị trường của nhau. Bên cạnh đó, Ai Cập kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các khu kinh tế đặc biệt tại Ai Cập, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp của mình sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và thiết lập quan hệ hợp tác đối tác dài lâu.
Đại sứ Amal Salama cũng bật mí, trong chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập vào cuối tháng 7 vừa qua của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hai bên đã đề cập tới khả năng đàm phán Hiệp định thương mại song phương (FTA) giữa Việt Nam và Ai Cập. Đại sứ Amal Salama cho rằng một hiệp định FTA như vậy, nếu được ký kết, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, giúp nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều.
Khai thác thế mạnh thị trường Halal
Một trong những lĩnh vực hợp tác có tiềm năng giữa hai nước chính là ngành công nghiệp thực phẩm Halal, vốn là một trong những thế mạnh của Ai Cập, trong khi đây là ngành công nghiệp Việt Nam đang bắt đầu tiếp cận và muốn phát triển để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal rộng lớn của các nước Hồi giáo.
Để giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal, Đại sứ Amal Salama cho biết Ai Cập đã cứ các chuyên gia sang hướng dẫn Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình sản xuất sản phẩm Halal theo luật Shariah của người Hồi giáo để các sản phẩm của Việt Nam có thể được cấp chứng chỉ Halal và được phép xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo.
“Ai Cập sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam và đang tìm cách tiếp cận tốt nhất để giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực này,” Đại sứ Amal Salama nhấn mạnh.
Khai thác thế mạnh du lịch
Cũng trong cuộc trao đổi với VOV.VN, Đại sứ Amal Salama đề cập tới khả năng tăng cường hợp tác du lịch giữa hai nước, bởi sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, cũng như thế mạnh của hai nước. Theo đại sứ, Ai Cập có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nhờ vị trí địa lý thuận lợi, có nền văn minh cổ đại, hệ thống lăng tẩm, kim tự tháp và bảo tàng thú vị, cùng với kiến trúc cổ đại độc đáo, lôi cuốn khách du lịch. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa nhiều sắc màu, có nhiều địa danh đẹp được các tổ chức quốc tế công nhận.
“Đã có thời điểm dịch Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch toàn cầu, trong đó có Ai Cập và Việt Nam. Nhưng giờ là lúc hai nước bắt tay cũng nhau hợp tác phát triển du lịch. Người dân Ai Cập tôn trọng văn hóa Việt Nam và họ muốn đến thăm đất nước xinh đẹp của các bạn. Đại sứ quán Ai Cập cũng sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho công dân Việt Nam muốn tới thăm và trải nghiệm tại Ai Cập,” Đại sứ Amal Salama chia sẻ.
Thúc đẩy ngoại giao nhân dân, văn hóa
Ngoài ra, hợp tác địa phương và hợp tác văn hóa cũng là một trụ cột trong quan hệ giữa hai nước. Đại sứ Amal Salama cho biết tỉnh Luxor của Ai Cập và tỉnh Ninh Bình của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận kết nghĩa, và hai địa phương đã lên kế hoạch xúc tiến hợp tác nhiều mặt, trong đó có trao đổi văn hóa. Mới đây nhất, trong chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chính quyền thủ đô Cairo và chính quyền thành phố Hà Nội đã ký văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, thể thao, giáo dục. …
Theo Đại sứ Amal Salama, Ai Cập rất quan tâm tham gia các sự kiện văn hóa tịa Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng mong muốn tham gia các sự kiện văn hóa diễn ra tại Ai Cập. Đại sứ quán Ai Cập dự kiến sẽ tổ chức một triển lãm và một buổi hòa nhạc có sự kết hợp của các nghệ sĩ hai nước vào tháng 12 tới nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập.
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), thay mặt chính phủ Ai Cập, Đại sứ Amal Salama chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành tự to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cũng như hội nhập quốc tế.