Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh: “Đúng quy trình” nhưng có đúng người?
VOV.VN -Cụm từ "đúng quy trình" dường như đang rất hữu hiệu để thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc bổ nhiệm cán bộ của mình?
Trong những ngày gần đây, dư luận cả nước quan tâm tới tới vụ việc nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển số công vụ trái qui định.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về công tác hiệp thương, lựa chọn cán bộ tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội mà tổ chức MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện.
Ông Hồ Chí Trung, cán bộ ngành công an về hưu, sinh sống tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết, chính ông là người đã bỏ phiếu bầu ông Trịnh Xuân Thanh là ĐBQH khoá XIV. Ông đã rất tin tưởng vào quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; trong đó, có việc giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh là ứng cử Đại biểu Quốc hội. Uy tín của người Đại biểu Quốc hội là rất lớn. Mỗi đại biểu là một tấm gương về sự trung thực, có đức, có tài.
Vì vậy, những cử tri như ông Trung đều gửi gắm nhiều kỳ vọng vào người được mình ủy quyền: "Tôi có bỏ phiếu cho ông Thanh vì tôi nghĩ ông là người của Trung ương. Trung ương đưa xuống bao giờ tôi cũng tin tưởng. Vậy ai giới thiệu ông Thanh lên ứng cử. Phải giải quyết mọi chuyện rõ ràng."
Về việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trúng cử Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Sang, nguyên Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam Thành phố Cần Thơ cho rằng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang rất quan trọng, quyết định quá trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Phải qua tới 5 bước với 3 lần hiệp thương mới có thể có được người tham gia ứng cử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, qui trình ấy vẫn có thể để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sang, với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, đây là bài học lớn:"Qua sự việc này, không chỉ riêng MTTQ Hậu Giang mà mặt trận của cả nước cũng phải rút kinh nghiệm khi lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử."
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ thiếu gương mẫu trong việc chấp hành luật pháp của Nhà nước; Chưa rõ ràng trong vụ việc thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng lại vẫn được được điều động về Bộ Công Thương; Rồi từ các chức vụ ở bộ này, ông này được tỉnh Hậu Giang gửi văn bản xin đích danh về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, và trúng cử ĐBQH. Những nấc thang thăng tiến của ông Thanh được cho là đúng quy trình.
Dường như, cụm từ "đúng quy trình" đang rất hữu hiệu để thoái thác trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc bổ nhiệm cán bộ của mình? Và nếu câu nói "đúng quy trình" tiếp tục trở thành tấm che an toàn cho thủ trưởng trong công tác cán bộ, thì còn nhiều trường hợp không chọn đúng người xảy ra.
Với những cán bộ không mang lại hiệu quả công việc trong nhiệm kỳ trước thì trước khi bổ nhiệm cán bộ ấy, cần phải đánh giá, kiểm tra thật chặt chẽ và xác định có đúng như vậy hay không.
Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần công khai trước Nhân dân về công tác cán bộ mới có thể xoá đi dư luận xấu rằng: "đúng quy trình" là để chốn tránh trách nhiệm.
Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên tuy đã được đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi một bước nhưng vẫn đang tồn tại, thậm chí có mặt còn phát triển tinh vi, phức tạp hơn trước.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, cần có một cuộc tự kiểm điểm sâu sắc về lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, thắm đượm truyền thống và bản sắc dân tộc trong mỗi đảng viên và cán bộ, phải đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực do cán bộ thoái hoá, biến chất gây ra./.