Truyền thông Ấn Độ nói về quan hệ Việt - Ấn

(VOV) -Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được lực đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây.

Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ không cùng chung biên giới, khác nhau về vị trí địa lý, song hầu như đều nhận thức được sự cần thiết hợp tác trong một loạt vấn đề ở mức độ khu vực và toàn cầu. Quan hệ hai nước đã đạt được lực đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây.

Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New Dehli tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ (từ 20-21/12), Tạp chí NAM-TO-DAY đã ra chuyên san đặc biệt, trong đó đăng những bài nói về quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Dưới đây là nội dung bài viết của Giáo sư P.K. Patasani, Nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ về mối quan hệ thân thiết và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ không cùng chung biên giới, khác nhau về vị trí địa lý, song hầu như đều nhận thức được sự cần thiết hợp tác trong một loạt vấn đề ở mức độ khu vực và toàn cầu.

Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được lực đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây. Những phát triển chiến lược toàn cầu sau cuộc chiến tranh Lạnh đã ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ hai nước. Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ thời hậu chiến tranh lạnh là vì lợi ích của hai nước và tầm quan trọng an ninh quốc gia của cả Ấn Độ. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ mở rộng. Trong khi Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Sẽ không sai khi nói rằng quan hệ với Việt Nam là rất quan trọng xét từ quan điểm chính trị, kinh tế và chiến lược.

Việt Nam là một đối tác khu vực quan trọng của Ấn Độ tại Đông Nam Á. Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều diễn đàn khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Đông Á (EAS), Tổ chức hợp tác khu vực sông Mekong – sông Hằng (MGC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM).

Sự hội tụ những lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược, cùng những khát vọng và mối quan tâm chung đã thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước. Mối quan hệ đối tác này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và Ấn Độ khai thác tiềm năng to lớn của các mối quan hệ song phương, bổ sung sức mạnh cho nhau và cùng nhau giải quyết những thách thức khu vực và toàn cầu. Hợp tác quan hệ đối tác chiến là vì lợi ích của nhau và không dẫn tới một liên minh chống lại bất cứ nước thứ ba nào…

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khẳng định chính sách kiên định của Việt Nam dành sự ưu tiên cao trong quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và thúc đẩy sự hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Về lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng từ 50 triệu USD năm 1991 lên hơn 2,7 tỷ USD năm 2011, đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay; và đặt mục tiêu nâng lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Những mặt hàng chính mà Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm thức ăn gia súc, dược phẩm, nguyên liệu chế biến thuốc, chất dẻo, sắt, thép, hải sản, hóa chất, máy móc, thiết bị, da, quần áo bằng da, phụ tùng xe máy, linh kiện ô tô, phân bón…Trong khi Việt Nam xuất sang Ấn Độ chủ yếu là chè, cà phê, hạt tiêu, than đá, cao su tự nhiên, thiết bị điện tử…Khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn nữa đòi hỏi các quan chức cấp cao hai nước cần phải bàn luận. Về phía Ấn Độ bước quan trọng nhất là phải loại bỏ hạn chế về khối lượng đối với phần lớn các sản phẩm để mở đường cho các nhà chế tạo Việt Nam.

Ấn Độ cũng là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam khi nhiều công ty Ấn Độ đã vào những lĩnh vực như dầu-khí, thép, khai khoáng, chè, cà phê, đường và chế biến thực phẩm.

Những nhà đầu tư lớn của Ấn Độ tại Việt Nam bao gồm  OVL, Essar Exploration & Production Ltd, Nagarjuna Ltd, Venkateswara Hatcheries, Philips Carbon, McLeod Russell ... Bên cạnh đó, Tata Steel có kế hoạch đầu tư hơn 5 tỷ USD vào một nhà máy thép ở Việt Nam. Trong lĩnh vực đào tạo Công nghệ thông tin, NIIT, APTECH và Tata Infotech cho đến nay đã mở hơn 50 trung tâm tại Việt Nam.

Việt Nam và Ấn Độ không chỉ đẩy mạnh “quan hệ đối tác chiến lược” mà còn có những kế hoạch lớn nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước.

Văn phòng du lịch Ấn Độ tại Singapore và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức quảng bá du lịch mang tên “Incredible India” với 9 công ty lữ hành Ấn Độ tới thăm các đối tác tại thành phố này nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa và du lịch giữa hai nước.

Madhu Dubey - Giám đốc khu vực của Văn phòng du lịch Ấn Độ tại Australia nói Ấn Độ là miền đất đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, khí hậu và các sản phẩm du lịch độc đáo. Ngoài sự lôi cuốn về văn hóa như công trình kỷ niệm, các lễ hội, Ấn Độ còn có những sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó có các chuyến đi mạo hiểm, du lịch y tế, yoga…Ngoài ra, những khu sinh thái bảo vệ tê giác một sừng ở Kaziranga, voi tại Bandipur, sư tử ở Gir, và hổ tại Sunderbans là những nơi có những loài động vật hoang dã thu hút du khách.

Sự kiện quảng bá du lịch là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa các mối liên kết về văn hóa và du lịch giữa hai nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên