TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Chính sách không thể ban ơn từ trên xuống” ​

VOV.VN - TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chính sách không thể ban ơn từ bên trên xuống, chính sách phải có sự tham gia của người dân...

Trong bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế.

Thực tiễn cho thấy lý do gì khiến một số quốc gia thịnh vượng và phát triển, trong khi các quốc gia khác giậm chân tại chỗ trong sự nghèo khổ? Điều đó phụ thuộc vào cách thức quản trị quốc gia như thế nào.

Vậy quản trị quốc gia cần được hiểu như thế nào trong mối quan hệ với thể chế. Tại sao nó lại quan trọng đối với con đường phát triển của một quốc gia đến vậy và làm gì để có một cách thức quản trị quốc gia hiệu quả? Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

Chuyển đổi tư duy quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia

PV: Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn nêu ra yêu cầu quen thuộc trong nền hành chính công là cần chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Chúng ta cũng bắt đầu làm quen với khái niệm cần chuyển đổi tư duy từ quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia. Ông có thể cắt nghĩa một cách dễ hiểu nhất quản trị Nhà nước, quản trị quốc gia là gì và điểm khác biệt cơ bản giữa quản trị quốc gia với quản lý nhà nước là gì?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Để nói mạch lạc nhất, quản lý là một khái niệm hẹp, nói về vai trò của Nhà nước tác động lên các đối tượng bị quản lý. Còn quản trị quốc gia là một khái niệm rộng hơn, gồm nhiều thành phần cấu thành nên một mô hình thực thi quyền lực của một nước. Ví dụ như quản lý Nhà nước thì chúng ta hay nói đến cơ quan điều hành, cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính, quản lý công việc, quản lý người dân, quản lý hộ khẩu, quản lý mọi thứ…, tức là vai trò đương nhiên của cơ quan hành chính đối với người dân, đối với các đối tượng bị quản lý.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Còn quản trị quốc gia là khái niệm rất rộng. Có 4 phần cấu thành của một nền quản trị quốc gia tốt, trước hết đó là pháp trị, thứ hai là vận hành mọi công việc của Nhà nước phải minh bạch; thứ 3 là phải bảo đảm chế độ trách nhiệm; thứ 4 là sự tham gia của người dân.

Chính sách không thể ban ơn từ bên trên xuống, chính sách phải có sự tham gia của người dân để hình thành, thấu hiểu nguyện vọng, khó khăn của người dân và đáp ứng được nguyện vọng của họ.

Như vậy, đó là 4 phần cấu thành của một nền quản trị quốc gia tốt.

PV: Trong bài viết đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Tại sao quản trị quốc gia lại có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển như vậy, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thủ tướng nói rất đúng, chính xác và anh minh. Bởi vì đây là quản trị quốc gia ở tầm cao nhất, nếu làm không ổn, không có chất lượng thì bên dưới làm sao tốt được. Có thể có điểm sáng này, điểm sáng nọ nhưng nó chỉ là những con đom đóm lóe lên trong đêm đông mà thôi.

Cả một nền quản trị quốc gia mà tốt thì lúc ấy kinh tế - xã hội mới phát triển tốt lên được. Thủ tướng nói thể chế quản trị quốc gia có nghĩa là các nguyên tắc quản trị quốc gia, các quy định pháp luật về quản trị quốc gia, năng lực để tuân thủ các quy định đó và năng lực để áp đặt việc tuân thủ các quy định đó nó tạo nên thể chế.

Ví dụ như quan trọng nhất của quản trị quốc gia là có 2 việc gồm điều chỉnh hành vi như thế nào và phân bổ nguồn lực như thế nào. Nếu điều chỉnh hành vi một cách tùy tiện, đặc biệt là hành vi của người dân, chi phí để áp đặt tuân thủ sẽ lớn khủng khiếp.

Còn về phân bổ nguồn lực phải xác định đúng ưu tiên, phải để thị trường phân bổ nguồn lực là chủ yếu. Nếu tạo điều kiện cho thị trường phân bổ đúng đắn nguồn lực thì sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.  

PV: Từ nhận định vừa rồi, liệu có thể hiểu quản trị quốc gia là đổi mới thể chế như chúng ta thường hay nói không, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quản trị quốc gia và Đổi mới thể chế là hai khái niệm khác nhau. Các thể chế vận hành quản trị quốc gia chúng ta phải đổi mới, ví dụ chúng ta có các cơ quan nắm giữ quyền lực của đất nước gồm có Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tòa án, còn quyền lực ở địa phương thì có chính quyền địa phương.

Các thiết chế này, xưa nay vận hành trong khuôn khổ thể chế Xô viết. Bây giờ vẫn các thiết chế này thì phải vận hành trong một khuôn khổ mới. Quan trọng nhất các thiết chế hình thành nên thể chế này phải vận hành đúng chức năng của mình, không phải cơ quan này giẫm chân, trùng lặp lên cơ quan kia.

Đảng có chức năng của Đảng, Nhà nước có chức năng của Nhà nước. Đảng làm thay của Nhà nước thì không thể làm tốt hơn Nhà nước nhưng lại vô hiệu hóa Nhà nước. Nhà nước làm thay chức năng của Đảng thì không thể tốt bằng Đảng nhưng lại làm cho Đảng cấn cá. Rồi Trung ương và địa phương nữa, Trung ương có việc của quốc gia, địa phương có việc của người dân ở địa phương phía dưới. Nếu phân chia không rõ chỗ này, nếu chồng lấn thì đó là mô hình giống búp bê Matryoshka của Nga, tức là con to, con nhỏ giống nhau hết chỉ khác nhau về kích cỡ thôi.

Cần thiết kế hệ thống động lực của chính sách

PV: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Theo ông, điều này cần được cụ thể hóa như thế nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thủ tướng nói rất đúng. Điều đầu tiên chúng ta phải làm rõ được: Việc gì, thể chế nào làm tốt nhất. Ví dụ phân bổ nguồn lực thì thị trường làm tốt hơn các quy định chủ quan của Nhà nước. Thị trường là bàn tay vô hình nhưng ở đâu hiệu quả hơn thì người ta đầu tư vào đó nếu có sự tự do.

Nhưng thị trường lại thất bại trong việc bảo đảm công bằng. Muốn để xác lập đúng thì phải thấy rõ cái gì, thiết chế nào làm được. Ví dụ đời sống chính trị của đất nước, bảo đảm định hướng, thấy tương lai viễn cảnh ở phía trước mà thôi thúc con người ta đi, việc đó chỉ có Đảng làm được thì Đảng nên làm tốt việc đó. Còn Nhà nước ban hành chính sách, bảo đảm tuân thủ pháp luật, anh làm tốt thì nên tập trung vào làm cái đó. Như vậy để phân định, chúng ta phải biết chức năng nào, thiết chế nào làm tốt nhất.

PV: Có nghĩa là khi xác định đúng đắn các mối quan hệ này tức là chúng ta đã giải quyết mối quan hệ lợi ích và tôn trọng sự vận hành khách quan, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng vậy. Ông Lý Quang Diệu đã làm được cho Singapore việc thiết kế một hệ thống chính sách tạo động lực về lợi ích. Đừng ép con người phải làm bất lợi cho người ta, đừng ép người ta phải vào hợp tác xã rồi làm từ sáng đến tối xong mỗi tháng được chia 1/10 cái người ta làm ra. Cái gì cũng ở trên cơ sở lợi ích và động lực thúc đẩy hành vi của con người.

Nếu chúng ta không thiết kế một hệ thống động lực của chính sách thì chính sách đó hết sức không hiệu quả. Chính sách đó hết sức tốn kém bởi muốn thực thi thì phải áp đặt rất ghê. Tôi ví dụ như cải cách hành chính, nếu chúng ta chỉ nói phải thế này, phải thế kia mà không có lợi cho công chức thì nó sẽ không lâu bền được.

Ví dụ anh giải quyết được cho một người dân, anh có thêm một khoản thu nhập, anh giải quyết cho 10 người dân, anh có thêm gấp 10 lần thì động lực sẽ rất rõ. Cái đó dễ làm thôi, có khó gì đâu!

Từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước quản trị, phục vụ mà không có hệ thống khuyến khích đúng thì chúng ta chỉ nói miệng thôi, khó trở thành hiện thực.

PV: Với điều kiện của nước ta hiện nay, để quản trị quốc gia tốt chúng ta cần dựa trên những yếu tố nào, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, chúng ta phải bảo đảm pháp quyền. Không phải muốn quản lý thì ban hành pháp luật, cái đó không phải pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước sinh ra để bảo vệ quyền của người dân. Khi người dân thực thi được các quyền của mình thì đất nước sẽ thịnh vượng.

Thứ 2 là minh bạch. Thứ 3 là chế độ trách nhiệm, phải áp đặt được trách nhiệm và cuối cùng là bảo đảm sự tham gia của người dân. Làm chính sách, pháp luật thì phải xin ý kiến của người dân nhưng không được làm kiểu hình thức mà người dân phải được tham gia thực sự. Đó là những cái để bảo đảm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên