“Tự ứng cử Đại biểu Quốc hội của ta dễ dãi quá!”
VOV.VN - Theo ông Vũ Mão, việc tự ứng cử ở nước ta dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc.
Tính đến ngày 17/4, các cơ quan Trung ương, địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc Hiệp thương lần ba, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đang đến gần, VOV.VN đã có trao đổi với ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) về một số vấn đề liên quan.
Ông Vũ Mão
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND?
Ông Vũ Mão: Có thể đánh giá một cách khái quát là: Công tác giám sát của Quốc hội và kể cả của HĐND các cấp có một số tiến bộ và ngày càng tiến bộ. Các vấn đề bức xúc của cử tri đều được Quốc hội và HĐND quan tâm tiến hành giám sát, chọn lọc, đưa ra chất vấn các cơ quan chức năng để các cơ quan này có hướng giải quyết thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Qua hoạt động giám sát, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của cử tri, kiên trì đeo bám vấn đề cho đến khi có kết quả, thể hiện tâm huyết trong hoạt động dân cử.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác giám sát của các cơ quan dân cử vẫn là khâu yếu nhất. Có nhiều điều đáng nói, nhưng ở đây tôi chỉ nêu ra mấy ví dụ:
Một là, khâu giám sát các văn bản dưới luật còn yếu. Nhiều Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ chưa phù hợp với luật của Quốc hội ban hành. Việc giám sát các văn bản đó của các cơ quan của Quốc hội còn nhiều hạn chế. Hậu quả là để lại quá nhiều vấn đề trong đời sống xã hội như an toàn thực phẩm, cổ phần hoá, sản xuất hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp nhưng không xuất khẩu được. Nhân dân rất bức xúc.
Hai là, việc giám sát ngân sách là khâu rất yếu. Tình trạng nợ công, nợ nước ngoài đang rất nghiêm trọng.
Ba là, bộ máy công quyền vận hành chưa tốt, công chức làm việc kém hiệu quả, còn nhiều nhũng nhiễu. Ở đây chưa thấy rõ vai trò giám sát của cơ quan dân cử từ Trung ương xuống địa phương.
Bốn là, nạn tham nhũng tràn lan, ngày càng trắng trợn. Trong các nguyên nhân có phần trách nhiệm của Quốc hội trong việc ban hành và giám sát các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực này.
Hà Nội lựa chọn những người tiêu biểu nhất ứng cử Đại biểu Quốc hội
PV: Có ý kiến cho rằng, chất lượng đại biểu là điều kiện cần và đủ để làm nên một cơ quan lập pháp hoạt động thực sự hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Vũ Mão: Đối với đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp thì đã có 5 tiêu chuẩn. Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là những người đạt tiêu chuẩn ấy ở mức cao hơn nhiều người khác. Họ là những người tiêu biểu nhất và điều đó tạo nên chất lượng của cơ quan dân cử. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thực tiễn của các đại biểu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà chúng ta cần phải phân tích sâu hơn ở một cơ hội khác.
Hiện nay, ở ta có khái niệm “đại biểu Quốc hội chuyên trách”, hoặc “đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm”. Còn ở HĐND các cấp thì đa số là kiêm nhiệm, còn chuyên trách gần đây mới có nhưng rất ít. Khái niệm này ở ta mới có, còn các nước thì người ta không đặt ra khái niệm như vậy.
Một lần sang thăm Pháp vào năm 1989, tôi cùng bà Nguyễn Thị Bình là Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội được một Nghị sĩ Cộng sản đưa về thăm một thành phố vệ tinh của Thủ đô Paris, nơi mà ông làm Thị trưởng. Ông ấy họp Quốc hội xong, hàng tuần đều xuống địa phương tiếp xúc với cử tri.
Lần ấy, ông mời chúng tôi ra thăm chợ và ông cùng cử tri trò chuyện rất cởi mở. Họ nói với nhau những việc rất thiết thân của đời sống, như chị em tiểu thương có bán được hàng không, thuế má ra sao? Tôi hỏi ông: Ông là đại biểu chuyên trách hay đại biểu kiêm nhiệm? Ông ấy trả lời: Chúng tôi không có khái niệm đó, chỉ biết rằng là Nghị sỹ thì phải làm tròn tất cả các nghĩa vụ của một Nghị sĩ, đồng thời phải làm tròn nhiệm vụ của một Thị trưởng của thành phố.
Ở Việt Nam thì đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm cũng là phù hợp với thực tế của chúng ta, nhưng tôi cảm thấy quan niệm còn hơi “cứng”, có vẻ như hơi cực đoan quá.
Hiện nay các đại biểu kiêm nhiệm, theo quy định phải dành 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Cụ thể là một năm Quốc hội họp 2 kì, mỗi kì trung bình khoảng 1,5 tháng (kể cả ngày nghỉ) như vậy là 3 tháng, rồi còn thời gian nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri là 1 tháng. Vậy phải dành ra 4 tháng trong 1 năm để làm nhiệm vụ đại biểu. Trên thực tế thì không ít đại biểu họp Quốc hội còn vắng mặt nhiều buổi, thời gian thực tế để họ nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến, tiếp xúc cử tri cũng không được đến 1 tháng.
Vừa qua, trong tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội có rút ra rằng, một trong những nguyên nhân Quốc hội hoạt động có chất lượng số lượng chuyên trách nhiều đã được tăng cường nhiều hơn và từ đó đã tăng thêm đại biểu chuyên trách làm việc ở các cơ quan của Quốc hội. Tôi đồng ý tăng thêm đại biểu chuyên trách, nhưng nên bố trí ở địa phương và tạo một cơ chế để họ tham gia có hiệu quả vào Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Nếu làm được như thế sẽ có mấy cái lợi:
Vấn đề thứ nhất là, các đại biểu ấy nắm được thấu đáo tình hình ở địa phương để đóng góp cho Quốc hội, đồng thời tránh được tình trạng xa rời cơ sở, biến họ thành người sống trong một cái ốc đảo.
Vấn đề thứ hai là, bớt cho một số địa phương tình trạng phải mang một gánh nặng là phải tiếp nhận nhiều ứng cử viên của Trung ương đưa về ứng cử ở địa phương.
Một tình tình rất đáng quan tâm là, lần đầu tiên mà một đơn vị bầu cử lại có tới hai đại biểu Trung ương về ứng cử. Ở các cuộc bầu cử vừa qua, số ứng cử viên Trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương mà không trúng đại biểu Quốc hội có xu hướng tăng lên. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ và cần lý giải nghiêm túc.
Đảm bảo công bằng cho các ứng cử viên ĐBQH khi vận động tranh cử
PV: Năm nay số lượng người tự ứng cử tăng đột biến. Là người từng đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương ông có nhận xét gì về việc ứng cử và tự ứng cử của cuộc bầu cử lần này?
Ông Vũ Mão: Theo quy định Hiến pháp của ta, người đủ 21 tuổi được ứng cử (bao gồm cả được đề cử và tự ứng cử). Điều đó thể hiện tính dân chủ của chế độ ta.
Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, đã có 2 đại biểu ở tuổi 22 trúng cử đại biểu Quốc hội là ông Nguyễn Đình Thi và ông Đào Thiện Thi. Họ đều là đại biểu trẻ nhưng tài năng và có uy tín.
Việc công dân tự ứng cử, nhất là người ngoài Đảng là cần thiết và ta khuyến khích điều đó, nhưng trên thực tế thì chưa bố trí trong dự kiến cơ cấu nên rất khó đạt được kết quả như mong muốn là vấn đề lớn nhất.
Thông tin gần đây cho biết, Hà Nội có 48 người tự ứng cử, qua hiệp thương lần thứ 3 chỉ có 2 người được đưa vào danh sách.
Các khoá trước đây, khóa nào cao nhất cũng chỉ có 4 người tự ứng cử mà trúng cử. Như thế là chưa đạt yêu cầu. Đáng lẽ ra, chúng ta phải tìm nguyên nhân và có cách khắc phục tình trạng ấy thì tới nay vẫn chưa làm được.
Ngoài ra, theo tôi có mấy vấn đề đáng lưu ý là, tự ứng cử của ta dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc nào. Như các nước, người muốn tự ứng cử thì phải có một số điều kiện như, phải lấy được đủ chữ kí của 100 người hoặc 1000 người ủng hộ. Hoặc như người tự ứng cử phải có một khoản tiền đặt cọc, sau khi trúng cử thì được lấy lại khoản tiền đó, còn nếu không trúng cử thì không được lấy lại. Nhưng trong luật bầu cử của chúng ta không có những điều đó.
PV: Theo ông, chúng ta phải làm gì để bầu ra đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực sự chất lượng?
Ông Vũ Mão: Chất lượng và cơ cấu nếu giải quyết cho hợp lý thì không có mâu thuẫn, không những thế nó còn tăng thêm chất lượng hoạt động cho cơ quan dân cử.
Để đáp ứng được yêu cầu trên, thì việc các cơ quan bầu cử xem xét các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử là rất quan trọng. Vừa qua có tình hình mâu thuẫn giữa chất lượng và cơ cấu là do cơ quan bầu cử từ Trung ương đến địa phương chưa quán triệt và vận dụng tốt vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn ông./.