Tương lai hợp tác tươi sáng của Việt Nam với Romania và Séc
VOV.VN - Chuyến thăm chính thức Romania và Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở ra cơ hội, không gian hợp tác mới cho mỗi nước.
Trưa 18/4, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Séc.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất quan trọng và rõ nét, nhất là việc tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, đồng thời mở ra không gian rộng lớn cho hợp tác của Việt Nam với Romania và Séc.
Thủ tướng CH Séc tại Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Trong chuyến thăm 4 ngày tới 2 nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc tích cực với gần 30 hoạt động, gồm hội đàm với Thủ tướng Romania và Thủ tướng Séc; hội kiến với Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện hai nước; gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bà con kiều bào, thăm và làm việc tại địa phương.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với hai nước Romania và Séc đã gần 70 năm, đặc biệt là Liên minh Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Và do đó, dễ nhận thấy dấu ấn quan trọng của chuyến đi đó là lãnh đạo các nước Romania và Séc đều cam kết ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU và sẽ thúc đẩy Hội đồng châu Âu sớm phê chuẩn các hiệp định quan trọng này.
Tại hội đàm, Thủ tướng Romania Viorica Dancila khẳng định, với cương vị là Chủ tịch EU, Romania sẽ làm hết sức mình và tiến hành các bước đi cần thiết để thúc đẩy sớm ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU trong nhiệm kỳ.
“Đây là thời điểm lịch sử trong quan hệ song phương khi có chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Romania sau 42 năm. Với vai trò Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), Romania ủng hộ để đi đến ký kết và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU trong thời gian sớm nhất. Những năm gần đây, kinh tế Romania và Việt Nam đều tăng trưởng tốt, mở ra cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, công nghiệp ô tô, thương mại, du lịch, nông nghiệp... Hai bên ký Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mở ra cơ hội lớn trong hợp tác lĩnh vực này” – Thủ tướng Romania cho biết.
Trong khi đó, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Séc Andrej Babis nhấn mạnh, là người bạn thân thiết của Việt Nam, đồng thời là thành viên tích cực của Liên minh Châu Âu (EU), Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là sẽ thúc đẩy EU sớm hoàn tất các thủ tục để ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) trong vòng 1, 2 tháng tới.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Séc-Việt Nam. |
Trong các cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện của hai nước cũng đều khẳng định cam kết ủng hộ sớm ký kết các Hiệp định trong vòng 1 đến hai tháng nữa.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong suốt chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, nổi bật trong chuyến thăm là Romania và Séc ủng hộ việc sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Eu và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-Eu trong thời gian nhiệm kỳ Romania làm Chủ tịch (1/1/2019-30/6/2019), tức có thể ký trong 1-2 tháng tới. EU đang trong quá trình rà soát các văn bản pháp lý và thủ tục cần thiết để ký Hiệp định này. Với việc hai nước, đặc biệt là Romania là Chủ tịch EU, cam kết ủng hộ ký Hiệp định này và sẽ đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu để sớm thông qua, điều này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thực tế, việc ký kết các hiệp định này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam mà đối với cả Séc, Romania và EU. Bởi qua đó sẽ mở ra không gian rộng lớn cho hợp tác về thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp các nước. Hàng hóa của các doanh nghiệp Séc, Romania và EU vào thị trường Việt Nam cũng có nghĩa là vào thị trường ASEAN, thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Và vì thế, các doanh nghiệp tham gia các Diễn đàn Doanh nghiệp Rumania-Việt Nam và Séc-Việt đều bày tỏ sự ủng hộ đối với các Hiệp định này.
Dấu ấn quan trọng nữa của chuyến đi là thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Romania và Séc, kể cả ở cấp địa phương và các doanh nghiệp. Việt Nam đã có mối quan hệ truyền thống gần 70 năm với cả hai nước. Dù đánh giá cao kết quả hợp tác đã đạt được, song tại các cuộc hội đàm, lãnh đạo các nước đều cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng và phải đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Romania và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn, nhất là về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, lao động, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Thời gian qua, Việt Nam và Romania đã có sự hợp tác rất hiệu quả giữa các địa phương, và với việc lãnh đạo 5 địa phương Việt Nam (Hải Phòng, Quảng Bình, Lào Cai, Bến Tre, Hà Tĩnh) có hợp tác với các địa phương của Romania tham gia chuyến đi lần này, đây là cơ hội mới để các bên thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa bằng các dự án thiết thực và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis thống nhất cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam – Séc, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng, công nghệ, khai khoáng, du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu, như xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải công cộng, chế tạo máy móc nông nghiệp, thuỷ tinh - pha lê, bia, chế biến thực phẩm, nông thủy sản, hàng dệt may, thiết bị điện tử…
Hai Thủ tướng cũng tán thành việc sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Praha, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.
Kết quả cụ thể là giữa các bộ, ngành Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thú y và an toàn thực phẩm với phía Romania; ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng với phía Séc.
Các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác của Séc và Romania, trong đó có biên bản ghi nhớ hợp tác về việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Séc; biên bản hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với Công ty Danvit Express về dự án điện gió trị giá 200 triệu USD.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cho biết: “Lãnh đạo các nước khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác và hai bên có nhu cầu. Đối với Romania, hai bên nhất trí cùng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp và lao động. Đối với Cộng hòa Séc, hai bên có một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác về công nghiệp, khai khoáng, môi trường, điện năng và các lĩnh vực hợp tác khác như dệt may, chế biến nông sản, du lịch”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Romania. |
Với mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh ra khỏi EU, tại các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Romania và Việt Nam-Séc, rất nhiều doanh nghiệp các nước đã tới dự với con số ngoài dự kiến. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường hơn 90 triệu dân Việt Nam. Và đặc biệt, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Séc, cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Andrej Babis đều tới dự. Điều đó như một thông điệp quan trọng chuyển tới các doanh nghiệp về việc lãnh đạo hai nước sẽ tạo thuận lợi nhất để thúc đẩy hợp tác và đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng tôi thống nhất 2 Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp kết nối các ý tưởng sáng tạo, các dự án kinh doanh trong môi trường mới để đi đến thành công. Trong đó, nền kinh tế của Séc phát triển cao hơn, Việt Nam thì phát triển năng động, nhiều tiềm năng. Hai nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nhất là lĩnh vực nông nghiệp mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh trực tiếp. Đây là tiềm năng lớn để mở rộng hợp tác rộng và xa hơn, hợp tác rộng hơn, hiệu quả hơn. Con số mà chúng ta đang nêu ra là 1 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều. Tuy vậy thì 1 tỷ USD kim ngạch còn dưới tiềm năng rất xa”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Séc Marta Navakova thì cho rằng, 70.000 người Việt Nam tại Séc, hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Séc là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Bà cho biết, các doanh nghiệp Séc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Hai bên đã có những thỏa thuận pháp lý quan trọng như bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và hợp tác về kinh tế. Tất cả những lần trao đổi đoàn cấp cao bao giờ cũng có đoàn doanh nghiệp lớn đi kèm cho thấy sự quan tâm của giới doanh nghiệp về cơ hội hợp tác đầu tư.
Việt Nam là một trong 12 nước được ưu tiên trong xuất khẩu vào Cộng hòa Séc, điều đó cho thấy Cộng hòa Séc rất muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam. Séc đã nhập khẩu hàng Việt Nam rất lớn và do đó, các doanh nghiệp Séc cần phấn đấu thúc đẩy xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó có hàng hóa truyền thống về giao thông, thiết khai khoáng, máy bay, hay xuất khẩu những sản phẩm kỹ thuật, công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và hợp tác doanh nghiệp Romani, ông Stefan Radu Opera, thì cho biết, Romania có nhu cầu về lao động kỹ thuật cao, lành nghề nên các doanh nghiệp Việt Nam và Romania có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Hiện có 225 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam đang hoạt động tại Romania, nhiều hơn số dự án Romania đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Romania rất quan tâm thị trường 90 triệu dân của Việt Nam và tiềm năng hợp tác thương mại hai nước là rất lớn.
“Tháng 10/2018, chúng tôi hân hạnh gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Việt Nam và tôi cũng đã đánh giá hợp tác hai nước chưa tương xứng với tiềm năng. 218 triệu USD kim ngạch thương mại hai chiều chưa phải là kết quả như mong muốn. Chính vì lý do đó, diễn đàn doanh nghiệp hai nước là cơ hội để thúc đẩy hợp tác tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, rất ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và mong muốn với vai trò Chủ tịch EU sẽ thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định này. Khi đó thuế nhiều dòng hàng có thuế về 0%, giúp các doanh nghiệp có thể tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước” - ông Stefan Radu Opera cho biết.
Có thể nói chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Séc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội, không gian hợp tác mới cho mỗi nước, cho doanh nghiệp và địa phương hai nước/.