Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về hợp tác quốc phòng Việt- Nhật

VOV.VN -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, hợp tác thực chất đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Ngày 9/8, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Việt Nam và Nhật Bản tổ chức Cuộc Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng lần 2.

Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh - Trưởng đoàn Việt Nam tham dự đối thoại.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết những nội dung chính của Cuộc đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần 2?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Đối thoại chính sách quốc phòng bao giờ cũng có hai nội dung lớn. Thứ nhất là trao đổi về tình hình an ninh có liên quan đến quốc phòng của hai nước. Thứ hai bàn về các biện pháp cụ thể để xúc tiến hợp tác quốc phòng.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh

Đánh giá về tình hình an ninh lần này, đại diện quốc phòng của cả Việt Nam và Nhật Bản đều đi đến thống nhất cao là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong những năm tới là một khu vực có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, khu vực này chỉ phát triển được nếu chúng ta giữ được hòa bình ổn định.

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, chúng tôi cũng đánh giá, trong khu vực vẫn còn tồn tại những yếu tố, những thách thức mà trong tương lai nếu từng quốc gia không phấn đấu và không có hợp tác trên bình diện quốc tế thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tiềm năng đó của khu vực. Ví như vấn đề an ninh phi truyền thống là hiện hữu, hàng ngày diễn ra đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản. Hay vấn đề hạt nhân, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tranh chấp lãnh thổ, vấn đề an ninh biển, vấn đề cướp biển…

Về hợp tác quốc phòng, chúng tôi nhắc lại bối cảnh chung rất thuận lợi trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là hai nước đã có mối quan hệ lâu dài tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau. Đặc biệt, mới đây hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược.

Trong bối cảnh chung như vậy, quan hệ quốc phòng đương nhiên phải có bước phát triển cho phù hợp với tình hình.

Năm 2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký biên bản hợp tác quốc phòng. Chúng tôi xác định những nội dung cụ thể mà hai bên cần phải thúc đẩy. Trước hết cần nâng cao chất lượng của việc trao đổi các đoàn. Lĩnh vực hợp tác thứ hai mà chúng tôi quan tâm là về đào tạo. Lĩnh vực thứ ba còn rất mới là hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Về quốc phòng an ninh có Diễn đàn ARF, đặc biệt cấu trúc an ninh Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+ gồm 10 nước ASEAN và 8 nước lớn trong đó có Nhật Bản). Nội dung thứ 4, chúng tôi đề cập là hợp tác về công nghiệp quốc phòng. Lĩnh vực hợp tác thứ 5 là trong vấn đề nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Nhật Bản cũng bày tỏ sự ủng hộ cao đối với Việt Nam trong việc đưa ra sáng kiến Hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ ADMM+ trong Hội nghị ADMM+ tới đây tại Brunei.

Tóm lại, những nội dung chúng tôi bàn hôm nay không nằm ngoài Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng đã ký năm 2011, nhưng cụ thể hóa hơn. Tôi tin rằng sự hợp tác sẽ diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, và đáp ứng cái nền chung là quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV: Cả Việt Nam và Nhật Bản đều quan tâm đến lĩnh vực an ninh biển. Vậy trong chuyến thăm lần này, hai nước đã trao đổi những gì trong lĩnh vực an ninh biển, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: An ninh biển là mối quan tâm của tất cả các nước có biển và cả các nước không có biển. Tuy nhiên, Việt Nam và Nhật Bản đều quan tâm đến lĩnh vực này ở mức cao hơn vì hai lí do.

Thứ nhất là những thách thức về an ninh biển mà Việt Nam và Nhật Bản gặp phải cũng tương tự như nhau. Đấy là phải đảm bảo bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà cụ thể là thềm lục địa của đất nước mình, đảm bảo lao động hòa bình trên biển, lưu thông hàng hải, tự do thương mại trên biển và cũng phải đối phó với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.

Thứ hai là vấn đề vận tải biển. Ví dụ thềm lục địa trên biển Đông của chúng ta là tuyến đường vận tải biển quốc tế mà trong đó Nhật Bản chiếm lưu lượng rất lớn. Cho nên nếu ở biển Đông không ổn định thì đường vận tải biển quốc tế trong đó có Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cho nên hai nước rất quan tâm.

Tinh thần chung là phải hướng đến hòa bình ổn định trên biển để đảm bảo lao động hòa bình trên biển, đảm bảo tự do hàng hải, tự do thương mại, đảm bảo an ninh hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đề làm được điều này, trước hết hai bên phải giúp nhau năng lực về nghiên cứu, về quản lý vùng biển. Hai bên phải tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế để xây dựng những quy định quy tắc ứng xử trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo để không xảy ra xung đột, không xảy ra mất ổn định, cùng có một tiếng nói để cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia có liên quan thấy rằng, nếu mất ổn định trên biển thì không ai có lợi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bàn về những hợp tác rất cụ thể, ví dụ như hợp tác hải quân. Và một điều rất quan trọng là chống cướp biển. Cả Nhật Bản và Việt Nam đều phải nâng cao năng lực này. Đây là những lĩnh vực chúng tôi có bàn đến và có thể nói đã đạt được thống nhất cao về đánh giá những vấn đề về an ninh biển.

PV: Năm nay kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Xin Thứ trưởng đánh giá về hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Nhìn khái quát hợp tác quốc phòng Việt Nam Nhật Bản, chúng tôi thấy hài lòng với nội dung, lĩnh vực và nhịp độ hợp tác vừa phải, đi cùng với hợp tác chung ở tầm chiến lược của hai quốc gia.

Mối quan hệ này có ý nghĩa rất quan trọng là tăng cường sự tin cậy giữa hai nước. Trên cơ sở sự tin cậy đó, hai nước sẽ thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác một cách toàn diện. Không có gì hơn sự tin cậy trong quan hệ quốc tế.

Trong hợp tác quốc phòng, chúng tôi khẳng định Việt Nam và Nhật Bản đã tạo cho nhau sự tin cậy. Chúng ta không có xung đột lợi ích về mặt quốc phòng an ninh với Nhật Bản. Đấy là điều quan trọng nhất. Chúng tôi hài lòng là từ hợp tác mang tính chất hình thức, mang tính chất biểu tượng thì càng ngày sự hợp tác càng đi vào thực chất. Ví dụ như công tác đào tạo cán bộ, hợp tác về khoa học công nghệ, kỹ thuật, hợp tác về dioxin, sắp tới đây là hợp tác về hoạt động gìn giữ hòa bình.

Rõ ràng đây là hợp tác thực chất. Hợp tác thực chất đem lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời đẩy sự tin cậy lên mức cao hơn.

Đây là những lý do chính mà chúng tôi thấy rằng, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản đáp ứng được nhu cầu chung của hai nước ở bối cảnh là đối tác chiến lược của nhau và đem lại sự tin cậy và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hợp tác Hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển
Hợp tác Hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển

Đây là chủ đề của Hội nghị Tư lệnh hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26-29/7 tới.

Hợp tác Hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển

Hợp tác Hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển

Đây là chủ đề của Hội nghị Tư lệnh hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26-29/7 tới.

Giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh biển
Giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh biển

Hội nghị ANCM-5 sẽ tạo điều kiện cho các nước hiểu nhau hơn, từ đó cùng chung tay giữ gìn sự ổn định, hòa bình hợp tác phát triển trên biển

Giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh biển

Giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh biển

Hội nghị ANCM-5 sẽ tạo điều kiện cho các nước hiểu nhau hơn, từ đó cùng chung tay giữ gìn sự ổn định, hòa bình hợp tác phát triển trên biển

Hội nghị ARF tại Campuchia bàn về vấn đề an ninh biển
Hội nghị ARF tại Campuchia bàn về vấn đề an ninh biển

Đại diện quốc phòng của 27 quốc gia trong khuôn khổ ARF đã chia sẻ quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của an ninh khu vực, trong đó nhấn mạnh đến an ninh biển.

Hội nghị ARF tại Campuchia bàn về vấn đề an ninh biển

Hội nghị ARF tại Campuchia bàn về vấn đề an ninh biển

Đại diện quốc phòng của 27 quốc gia trong khuôn khổ ARF đã chia sẻ quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của an ninh khu vực, trong đó nhấn mạnh đến an ninh biển.