Tuyên truyền bầu cử ở Lai Châu: "Người biết truyền đạt cho người chưa biết"

VOV.VN - Với phương châm "người biết truyền đạt cho người chưa biết", mỗi người dân Lai Châu đang là một tuyên truyền viên tích cực cho ngày hội bầu cử sắp tới.

Là một tỉnh biên giới, Lai Châu đã và đang huy động các lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với phương châm "người biết truyền đạt cho người chưa biết". Qua đó, mỗi người dân đang là một tuyên truyền viên tích cực, cùng góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử sắp tới.

Nhiều ngày nay, trước khi đi làm nương, chị Chang Thị Sung, dân tộc Mông, ở bản Cang Hồ, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) lại cùng một số người dân trong bản tranh thủ qua nhà văn hóa bản để xem danh sách những người ứng cử và tìm hiểu thêm về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới. 

Chị Sung cho biết: "Trưởng bản, Bí thư chi bộ đã tuyên truyền thời gian, địa điểm để đi bầu cử. Tôi sẽ vận động người thân và người dân ở trong bản thực hiện đúng kế hoạch đó. Tôi đã tìm hiểu và nắm được danh sách của người ứng cử trong nhiệm kỳ tới, từ đó cũng đã có lựa chọn cho bản thân. Tôi mong là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ tới sẽ là những người có năng lực, có trình độ để đóng góp sức lực phục vụ cho nhân dân."

Bản Sàng Phàn Thấp, xã Khun Há là nơi 100% người dân có niềm tin tôn giáo và phần lớn thời gian trong ngày bà con đi làm nương. Để bà con hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như quyền lợi, trách nhiệm của cử tri, vào các buổi tối, tổ tuyên truyền bầu cử của bản đã đến từng nhà, rà từng cử tri để tuyên tuyền, vận động.

Ngoài ra, việc tuyên truyền cũng được thực hiện trước buổi sinh hoạt tôn giáo vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Nhờ vậy, đến nay, gần 300 cử tri ở bản đã nắm rõ các quy định về cuộc bầu cử.

Trưởng bản Sàng Phàn Thấp, ông Lù A Sùng cho biết: "Tôi đã tuyên truyền về sự quan trọng của việc bầu cử. Nếu bà con muốn kiến nghị của mình được lắng nghe thì phải bầu ra người đại diện. Nếu mình không tuân thủ Luật bầu cử thì không được hưởng các chính sách của Nhà nước, sẽ bị đánh giá là không chấp hành luật và như vậy thì không phải là người dân của nước Việt Nam."

Xã Khun Há (huyện Tam Đường) có 14 bản, chủ yếu đồng bào Mông sinh sống, với 97% dân số có niềm tin tôn giáo. Ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: Ngoài việc kiện toàn các tổ nhân sự làm công tác bầu cử, đến nay, xã cũng đã thống kê được trên 4.500 cử tri. Hiện nay, xã đang tiếp tục huy động đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia tuyên truyền cho ngày bầu cử.

"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền ở các bản, trong đó chúng tôi tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà có niềm tin tôn giáo. Hiện trên địa bàn xã có 14 bản thì có 13 bản là có niềm tin tôn giáo, với dân số chiếm khoảng 97%. Trên cơ sở địa bàn như vậy thì chúng tôi tập trung vào tuyên truyền trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia bầu cử. Ví dụ chúng tôi tập trung vào tuyên truyền ở các buổi sinh hoạt điểm nhóm, sử dụng loa di động để tuyên truyền ở các tuyến đường." - ông Sở cho biết.

Huyện Tam Đường có 7 đơn vị bầu cử, 147 điểm bỏ phiếu. Để đồng bào các dân tộc trên địa bàn nắm được các thông tin về cuộc bầu cử; ngoài tuyên truyền bằng pano, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu, chính quyền các xã, thị trấn đã nâng tối đa giờ phát sóng của hệ thống loa truyền thanh có dây và không dây, với các nội dung tuyên truyền được lồng ghép sinh động qua các tiết mục kể chuyện, nhạc, kịch... bằng nhiều thứ tiếng.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: "Các điểm sinh hoạt tôn giáo, cũng như vùng đồng bào dân tộc Mông có đặc thù là nhẹ dạ, dễ tin các thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo. Chính vì lẽ đó cho nên ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây, tuyên truyền qua các đợt sinh hoạt họp bản, thì chúng tôi vẫn có tổ an ninh trật tự thường xuyên nắm tình hình trên địa bàn; quan tâm việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bầu cử, liên quan đến chế độ chính sách, đảm bảo ổn định tình hình nhân dân trên địa bàn."

Tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước đây, bà con thường được tổ chức cho bầu cử sớm do đường xá đi lại khó khăn, nhận thức của một bộ phận đồng bào hạn chế. Thế nhưng, cuộc bầu cử lần này, người dân Mường Tè sẽ được bỏ phiếu đồng loạt cùng đồng bào cả nước vào ngày 23/5. 

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Mường Tè cho biết: Ngoài các đại biểu ứng cử HĐND huyện, xã, Mường Tè được phân bổ 1 người ứng cử đại biểu Quốc hội, 7 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Để người dân tiếp cận được các thông tin về cuộc bầu cử, huyện đã huy động toàn bộ cán bộ là người dân tộc thiểu số, phối hợp với lực lượng mặt trận thôn, bản, người có uy tín tuyên truyền bằng nhiều tiếng dân tộc khác nhau; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ... để tuyên truyền. Đến nay, địa phương đã tuyên truyền được gần 1.000 buổi, với số lượng trên 200 nghìn lượt người tham gia.

"Trong quá trình tổ chức tuyên truyền đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, mặt trận và các tổ chức đoàn thể tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Chủ yếu là dân tộc La Hủ sinh sống ở vùng biên giới, các bản vùng sâu, vùng xa, gần như bà con cũng không biết tiếng phổ thông. Chúng tôi đã trưng tập những đồng chí là người dân tộc La Hủ, những đồng chí biết tiếng La Hủ, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động bà con."

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Với phương châm "người biết truyền đạt cho người chưa biết", mỗi người dân ở Lai Châu đang là một tuyên truyền viên tích cực, cùng góp sức làm nên thành công của cuộc bầu cử và để ngày bầu cử tới thực sự là ngày hội toàn dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường tuyên truyền miệng về công tác bầu cử tại các địa bàn đặc thù
Tăng cường tuyên truyền miệng về công tác bầu cử tại các địa bàn đặc thù

VOV.VN - Ông Hầu A Lềnh đề nghị Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phương thức truyền miệng tại các địa bàn đặc biệt.

Tăng cường tuyên truyền miệng về công tác bầu cử tại các địa bàn đặc thù

Tăng cường tuyên truyền miệng về công tác bầu cử tại các địa bàn đặc thù

VOV.VN - Ông Hầu A Lềnh đề nghị Quảng Ninh đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phương thức truyền miệng tại các địa bàn đặc biệt.