Ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023

VOV.VN - Thông tin này được Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương của Ban Tuyên giáo Trung ương

Sáng 12/5, thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5 của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, họp cả thứ 7, CN, Hội nghị Trung ương 5 đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Hội nghị lần này tiếp tục kế thừa đổi mới của Hội nghị Trung ương 4, dành thời gian thảo luận, tại hội trường, tại tổ, chứ không đọc lại các báo cáo, tờ trình của Bộ Chính trị trình Trung ương. Trong 6 ngày làm việc, với 12 buổi, đã có tới 10 buổi tập trung thảo luận tại tổ, hội trường.

10 buổi thảo luận và hơn 700 lượt ý kiến

Các Uỷ viên Trung ương và đại biểu dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần dân chủ thẳng thắn, cả thảo luận và tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào báo cáo. Theo thống kê, đã có 738 lượt ý kiến phát biểu, thảo luận tại tổ và hội trường, trong đó 492 lượt ý kiến đối với 3 Đề án tổng kết về phát triển kinh tế: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; và Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Có 246 ý kiến về công tác xây dựng Đảng, về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo củ Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị đã có 2 phiên họp thảo luận, tiếp thu ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; thống nhất thông qua những nội dung cơ bản của các văn kiện của Hội nghị Trung ương 5.

Ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023

Một trong những nội dung đáng chú ý ở Hội nghị Trung ương lần này là vấn đề thảo luận Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Về nội dung này, ông Lại Xuân Môn cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Tờ trình và Đề án của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chưa đầy đủ; Luật Đất đai và một số luật có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ. Công tác giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm…

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất; nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn chậm, chưa đầy đủ, chưa nghiêm, còn có sai phạm. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng pháp luật.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất 5 quan điểm về đất đai, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; nguồn lực đất đai được vốn hoá, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Cụ thể đến năm 2025 mục tiêu là ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất tôn giáo; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020

Về nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận về Tờ trình, Báo cáo tổng kết của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với những đánh giá cơ bản: nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu.

Những hạn chế, yếu kém nói trên chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết…

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất 5 quan điểm, trong đó tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020....

Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực, Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã thành lập mới tăng; phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển như yêu cầu đặt ra; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế còn thấp và có xu hướng giảm dần.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên là do, nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, cụ thể đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã. Bảo đảm trên 80% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. đến năm 2045: Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế hợp tác nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mọi nguồn lực để đất nước “cất cánh”
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mọi nguồn lực để đất nước “cất cánh”

VOV.VN - Hội nghị Trung ương 5 từng bước cụ thể hóa những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mọi nguồn lực để đất nước “cất cánh”

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy mọi nguồn lực để đất nước “cất cánh”

VOV.VN - Hội nghị Trung ương 5 từng bước cụ thể hóa những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thông cáo về phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII
Thông cáo về phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII

VOV.VN - Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Hội nghị đã nghe báo cáo chuyên đề về xung đột Nga-Ukraine; cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; về đổi mới chính sách pháp luật đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Thông cáo về phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII

Thông cáo về phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII

VOV.VN - Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Hội nghị đã nghe báo cáo chuyên đề về xung đột Nga-Ukraine; cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; về đổi mới chính sách pháp luật đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

VOV.VN - Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

VOV.VN - Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.