Ủy ban Pháp luật cho ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
VOV.VN - Các đại biểu đề nghị, dự thảo cần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đặc biệt cần tạo sự gắn kết giữa lập pháp và hành pháp.
Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ngày 19/8, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Trong đó, nội dung được tập trung thảo luận là quy định về trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Thảo luận tại phiên họp , các đại biểu tán thành sự cần thiết của việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa các quy định và tinh thần mới của Hiến pháp 2013 về tổ chức, hoạt động của Chính phủ; khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn về tổ chức hoạt động của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần giải quyết triệt để một số khó khăn, bất cập về tổ chức và hoạt động của Chính phủ như cần cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định rõ lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc tình trạng có lĩnh vực mà không thấy có cơ quan quản lý; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng, quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trong dự thảo Luật vẫn còn phân tán, chồng chéo. Do đó, các đại biểu đề nghị, dự thảo cần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đặc biệt cần tạo sự gắn kết giữa lập pháp và hành pháp. Liên quan đến quy định về Chính phủ, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa và khái quát 7 nhiệm vụ của Chính phủ quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013 theo 12 nhóm nội dung để bao quát hết tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ.
So với Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, tất cả các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; đặc biệt bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về các lĩnh vực như: tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; kinh tế; tài nguyên và môi trường; quản lý và tổ chức hệ thống hành chính nhà nước… Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân trong hoạt động của Chính phủ, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Bộ trưởng và trưởng ngành.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến cụ thể về các nội dung: quan điểm, mục tiêu của Dự án Luật; chức năng, cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ của Bộ và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới./.