Vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ
VOV.VN - Hội nghị Nữ Nghị sỹ sẽ bàn về vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ, đặc biệt, thể hiện trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.
Được tổ chức lần đầu tiên tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 19 năm 1998, theo sáng kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia, từ đó đến nay, Hội nghị Nữ nghị đã trở thành một cơ chế hoạt động thường niên và hiệu quả của AIPA. Chủ đề của Hội nghị Nữ Nghị sỹ tại Hội nghị sẽ bàn về “Vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”, đặc biệt, thể hiện trong bối cảnh của đại dịch Covid- 19.
Xung quanh nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ.
PV: Với chủ đề “Vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”, Hội nghị Nữ Nghị sỹ AIPA lần này kỳ vọng như thế nào về nội dung này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn tại các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thưa bà?
Bà Lê Thu Hà: Chủ đề Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA lần này do Quốc hội Việt Nam đề xuất và nhận được sự đồng thuận của các nghị viện thành viên AIPA. Việc làm và thu nhập đối với lao động nữ luôn là vấn đề mang tính thời sự và thu hút sự quan tâm của AIPA cũng như các nữ nghị sĩ AIPA bởi khu vực ASEAN có tới 600 triệu dân, trong đó hơn 300 triệu phụ nữ.
Thời gian qua, cộng đồng khu vực ASEAN và quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Nhiều văn kiện, tuyên bố đã được đưa ra, chúng ta cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập và rất nhiều việc phải làm.
Trong điều kiện bình thường, tình trạng bất bình đẳng về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ đã tồn tại. Đại dịch Covid-19 càng khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, đòi hỏi phải gia tăng quyết tâm của các nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề này ở phạm vi từng quốc gia và trong khu vực.
Dự kiến WAIPA sẽ thông qua một nghị quyết chung về thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ. Nghị quyết sẽ đề cập đến trách nhiệm và kêu gọi nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN, trách nhiệm của các nghị viện thành viên thể hiện qua việc thực hiện các chức năng của cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện cho người dân, quyết định các vấn đề quan trọng và phân bổ ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy vấn đề này và đạt được những kết quả tốt hơn trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động nữ trong lĩnh vực việc làm, thu nhập nói riêng.
PV: Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, Covid-19 đã làm mất 300 triệu việc làm trên thế giới hiện nay. Tại nhiều nước, người ta bắt đầu thấy việc sa thải lao động liên quan đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Dưới góc độ là nữ nghị sỹ bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
Bà Lê Thu Hà: Không chỉ trong đại dịch mà thực tế lao động nữ luôn phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới trong công việc khi chỉ nhận được 70-90% thu nhập so với nam giới. Hơn 70% lao động nữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm việc tại các khu vực kinh tế không chính thức đồng nghĩa với việc các quyền lợi của phụ nữ như nghỉ ốm, thai sản hay bảo trợ xã hội không được đảm bảo. Điều này vô hình chung dẫn đến sự thiếu quan tâm từ phía các chính phủ và doanh nghiệp khi đưa vào các kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp - vốn chỉ hướng đến những người trụ cột gia đình (người chồng/người cha) hoặc những lao động hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức.
Đại dịch Covid làm gia tăng các thách thức đối với lao động nữ khi họ phải dành phần lớn thời gian chăm sóc con cái trong thời gian đóng cửa trường học do giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Bạo lực gia đình cũng gia tăng đáng kể, việc hạn chế di chuyển trong thời gian cách ly cũng khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như những chia sẻ từ phía cộng đồng.
Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần có một sự cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái dựa trên yếu tố bình đẳng giới. Các doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường công bằng cho lao động nữ và ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử, các hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Nếu những quyền lợi của họ bị xâm phạm, cần phải có những biện pháp hỗ trợ cần thiết để lao động nữ có thể tiếp cận chủ động.
Hai là, cần cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ giúp giảm bớt trách nhiệm của lao động nữ trong gia đình, thúc đẩy các chuẩn mực xã hội tích cực kêu gọi nam giới và phụ nữ cùng chia sẻ việc gia đình.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng là phụ nữ cũng cần được trao quyền trong các quyết định, các cuộc thảo luận về những vấn đề liên quan đến mình. Có như vậy, những mối quan tâm và giải pháp do phụ nữ đề xuất mới thực sự được phản ảnh trong các công cụ chính sách của các quốc gia.
PV: Vậy, tại Việt Nam, các nữ nghị sỹ đã có những hoạt động như thế nào để ứng phó với đại dịch Covid-19, thưa bà?
Bà Lê Thu Hà: Tại Việt Nam, để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo thu nhập cho người lao động và các hộ gia đình gặp khó khăn. Phát huy vai trò người đại biểu nhân dân, kịp thời động viên cử tri và nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch. Giám sát việc thực hiện các chính sách ứng phó với đại dịch và hỗ trợ hậu Covid-19.
Thực hiện lồng ghép các nội dung có liên quan trong giám sát các chuyên đề của Quốc hội... Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội đã chủ động điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, phương thức làm việc để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình dịch, thực hiện các nhiệm vụ được Hiến định, luật định cùng Chính phủ kịp thời ban hành các quyết sách cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế hậu Covid.-19
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là cơ sở pháp lý cho việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật, trong đó có lĩnh vực việc làm và thu nhập. Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật trình Quốc hội, trong đó có những dự án luật thuộc lĩnh vực việc làm và thu nhập. Do đó, những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… đều được xây dựng bảo đảm những nguyên tắc về bình đẳng giới.
PV: Cuộc khủng hoảng mang tên đại dịch Covid-19 dường như ngày càng khoét sâu khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ. Theo bà, nghị viện các nước thành viên cần có những biện pháp gì để rút ngắn khoảng cách này?
Bà Lê Thu Hà: Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, những số liệu mới cập nhật của ILO cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên. Xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.
Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hay các biện pháp đặc biệt tạm thời là: bảo đảm tỷ lệ thích đáng phụ nữ tham gia và thụ hưởng; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ; hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ; quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ…
Ngoài ra, còn rất nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: bảo đảm tỉ lệ thích đáng nữ đại biểu dân cử, nữ tham gia lãnh đạo quản lý; thúc đẩy sự tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ; bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, y tế, việc làm, thông tin, nguồn tài chính… bình đẳng về lương và bảo đảm quyền được quyết định, sử dụng và sở hữu của phụ nữ đối với nguồn thu nhập và tài sản trong gia đình; tăng cường sự chia sẻ công việc gia đình và nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình; từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Những biện pháp này không chỉ được thể chế hóa trong văn bản pháp luật mà còn phải được qui định, lồng ghép trong các chính sách, chương trình, dự án và phải đảm bảo tính khả thi và đạt được bình đẳng thực chất khi triển khai. Mặt khác, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho toàn xã hội, đồng thời xóa bỏ những tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu để thay đổi văn hóa ứng xử của cộng đồng và xã hội cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
PV: Từ góc độ cơ quan lập pháp, theo bà nghị viện các nước cần làm gì để giám sát việc thực hiện các cam kết của chính phủ, cũng như của các tổ chức trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em?
Bà Lê Thu Hà: Thứ nhất, tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập đối với lao động nữ.
Thứ hai, với tinh thần phát huy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Nghị viện các nước thành viên cần đoàn kết, hợp tác, cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ cho lao động nữ và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch.
Thứ ba, các Nghị viện thành viên và các nghị sĩ cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.
PV: Thưa bà, những thông điệp nào mà các nữ nghị sỹ sẽ chuyển tải đến tại Hội nghị AIPA 41?
Bà Lê Thu Hà: Đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực, các nữ nghị sĩ AIPA hiểu rất rõ trọng trách của mình trước cử tri và nhân dân. Thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển đến Đại hội đồng AIPA lần này đó là: AIPA cần đoàn kết hơn nữa để không chỉ mang lại những thay đổi thực sự giải quyết những bất bình đẳng giữa nam và nữ mà còn tham gia đóng góp mạnh mẽ, thiết thực vào việc thúc đẩy Chính phủ hành động nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dành nhiều nguồn lực cho phòng chống đại dịch Covid-19 và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cùng hành động vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cả khu vực ASEAN.
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!