Vai trò, vị thế của Việt Nam đang tăng cao

Với việc chủ trì Hội nghị năm 2009 của WB và IMF, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế; đồng thời cho thấy, quyền lợi và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển nhận được sự quan tâm lớn chưa từng có.

Ngày 6/10, tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã khai mạc Hội nghị hàng năm năm 2009 của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với sự tham dự của 15.000 đại biểu gồm bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng 186 nước thành viên của WB và IMF, đại diện các tập đoàn kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng thương mại tham dự. Điều đặc biệt là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì Hội nghị hàng năm của hai tổ chức tài chính lớn nhất thế giới trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc.

Phải nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa đặt ra thách thức lẫn cơ hội to lớn cho các quốc gia đang phát triển. Thách thức ở chỗ các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề và mong chờ sự hỗ trợ từ các thể chế tài chính như Ngân hàng thế giới hay Quỹ tiền tệ quốc tế. Nhưng cơ hội cũng đang mở ra để các nền kinh tế đang phát triển năng động có thể phát huy vai trò, thể hiện bản lĩnh và sức mạnh trước cơn bão táp. Trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thống đốc và chủ trì cuộc họp lần này có ý nghĩa đặc biệt và kịp thời.

Phát biểu khai mạc hội nghị với tư cách Chủ tịch Hội đồng thống đốc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã nêu bật yêu cầu cần tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển; đồng thời cũng làm nổi những nỗ lực, khả năng của châu Á, ASEAN và Việt Nam trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan điểm của Việt Nam là mong muốn WB và IMF hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển về cả hai mặt: hỗ trợ khắc phục hậu quả khủng hoảng cũng như khích lệ vai trò của các nền kinh tế đang phát triển.

Điều đáng mừng là hai thể chế tài chính lớn nhất thế giới về cơ bản đã nhận thức được những thay đổi trên bức tranh kinh tế thế giới, một năm sau khủng hoảng, từ đó sẽ có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Strauss-Kahn đã phát biểu tại hội nghị: “Tình hình đặc biệt khó khăn ở các nước có thu nhập thấp, đòi hỏi phải tăng sự hỗ trợ cho họ. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ đẩy khoảng 90 triệu người bị rơi vào tình trạng cực nghèo. Những gì chúng ta đang thảo luận ở đây không chỉ là vấn đề thất nghiệp tăng hay suy giảm tăng trưởng ở các nước có thu nhập thấp, mà còn là vấn đề giữa sự sống và cái chết, để từ đó, thấy sự khẩn cấp của vấn đề”.

Được biết, hội nghị lần này sẽ xem xét đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ lên tới 8 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn, tài trợ thương mại và phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tạo công ăn việc làm... Trong đó, đặc biệt chú ý đến các quốc gia bị ảnh hưởng của thiên tai, xung đột, bất ổn...

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, WB và IMF cũng đang có những bước đi đáp ứng đòi hỏi của các nước đang phát triển được trao quyền to lớn trên vũ đài kinh tế thế giới. “Lần đầu tiên và một cách chính thức, chúng ta phải thừa nhận rằng các nước đang phát triển đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm kiếm các giải pháp đối phó khủng hoảng trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi phải có một cơ chế mới phù hợp với tình hình mới, trong đó các nước đang phát triển phải có vai trò xứng đáng. Nhóm G20 là một điển hình về sự hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Ở đó, tiếng nói của các nước đang phát triển được nâng lên. Đó là một sự khởi đầu tốt nhưng chưa đủ. WB và IMF cần cải tổ để tạo một diễn đàn công bằng cho tất cả 186 quốc gia thành viên”-Giám đốc Ngân hàng thế giới Robert Zoellick nói.

Việc lần đầu tiên, Việt Nam giữ vai trò điều hành hội nghị quan trọng của WB và IMF không chỉ nâng cao vị thế của nước ta mà còn khẳng định: Trong bối cảnh khủng hoảng vẫn lan rộng toàn cầu, Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn đà suy thoái, duy trì ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.           

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên