Ngoại giao vaccine:

Vì sao Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine?

VOV.VN - Ngoại giao vaccine không chỉ là con đường để Việt Nam tiếp cận, nhập khẩu vaccine mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine tại chỗ, tạo ra nguồn cung vaccine bền vững nhất cho Việt Nam.

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 – đợt bùng phát mạnh nhất kể từ khi loại virus này xuất hiện tại Việt Nam ngày 23/1/2020. Số lượng ca mắc mới đã đạt gần 10.000 người/ngày, riêng TP.HCM mỗi ngày có khoảng 240 ca tử vong. Đây là những con số rất đáng lo ngại.

Trong nhiều nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, ngày 13/8/2021, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc từ đối tác song phương, đa phương; báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.

Rõ ràng, Chính phủ xác định “ngoại giao vaccine” là một kênh quan trọng nhằm đạt được mục tiêu bao phủ vaccine 70-75% dân số.  Tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19.

“Ngoại giao vaccine” thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.” - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết.

“Cơn khát” vaccine toàn cầu

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới, nếu nhu cầu chính thức của thế giới từ nay đến cuối năm là 10 tỷ liều vaccine thì hiện nay mới sản xuất được 4,5 tỷ liều, tức là chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu.

Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vaccine cũng làm gia tăng sự khan hiếm vaccine với nhiều quốc gia.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: Thứ nhất, sản xuất, cung ứng vaccine chỉ tập trung vào một số nước phát triển, không theo kịp nhu cầu gia tăng đột biến trên toàn cầu. Thứ hai, nhiều nước phát triển thực thi chính sách tích trữ quá mức so với nhu cầu. Thứ ba, do ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng nên nguyên nhiên liệu, sản xuất vaccine, cùng với quá trình chuyển giao công nghệ mất nhiều thời gian hơn.

Để tìm đủ nguồn vaccine phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường “ngoại giao vaccine”.

Ngày 8/12/2020, một cụ bà ở Vương quốc Anh đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine Pfizer ...

Hơn 2 tháng sau, ngày 24/02/2021, hơn 100.000 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên về Việt Nam.

Ngày 10/7, Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc được khởi động. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử vì từ trước tới nay, dù nước ta tổ chức nhiều chiến dịch tiêm, gần nhất là tiêm 23 triệu liều vaccine sởi - rubela cho trẻ nhưng chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lần này được triển khai trên quy mô lớn, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều trong 9 tháng, nhằm tăng độ bao phủ vaccine cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.

Tính đến ngày 13/8, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 13,7 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12,5 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 1,3 triệu liều.

Khi vaccine “Made in Vietnam” vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thì “ngoại giao vaccine” là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.

Tiếp cận vaccine: Nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam 

Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã dự báo và ban hành chỉ đạo về công tác phòng chống dịch, trong đó có việc thực hiện chiến lược vaccine: tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho người Việt Nam. Theo đó, “ngoại giao vaccine” được xác định là một mũi nhọn để đạt được chiến lược này.

Đến nay, chiến lược vaccine và “ngoại giao vaccine” được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine…

Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 30/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Cơ chế COVAX là sự hỗ trợ quý báu đã giúp Việt Nam và nhiều nước đang phát triển xử lý dịch khi nguồn cung vaccine quốc tế khan hiếm. Ông mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước trong việc cung ứng vaccine, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời mong muốn tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho hợp tác giữa hai bên trong việc thực hiện chiến lược vaccine.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai nước tiếp tục hỗ trợ tiếp cận bình đẳng vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Kết quả, cơ chế COVAX đã chuyển cho Việt Nam 2,6 triệu liều và cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo. Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 500.000 liều vaccine và sẽ xem xét viện trợ thêm trong thời gian tới. Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều và đồng ý cung cấp cho Việt Nam tối đa 20 triệu liều vaccine Spunik trong năm 2021, đồng thời hợp tác với Công ty VABIOTECH để đóng gói, chuyển giao công nghệ vaccine tại Việt Nam từ tháng 7/2021.

Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine tính đến ngày 13/7. Nhật cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vaccine.

Bên cạnh đó, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vaccine trong tổng số 80 triệu liều mà nước này cam kết viện trợ cho cơ chế COVAX… Ngoài ra, Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ và một số nước khác cũng có những cam kết cụ thể với Việt Nam.

Không chỉ ở kênh song phương, chúng ta cũng tham gia tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine.

Tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hay Hội nghị tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển.

Việt Nam cũng đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu.

Để thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy "Ngoại giao vaccine", đạt một số kết quả.

Mục tiêu đặt ra là 150 triệu liều vaccine, tuy nhiên, hiện nay số lượng vaccine về nước vẫn còn hạn chế và số người được tiêm mới chỉ đạt hơn 13 triệu người. Đó cũng là lý do vì sao Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine. 

“Ngoại giao vaccine” không có nghĩa là chỉ tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài. Bởi “Đây là bài toán cơ bản để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước” - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

WHO khuyến nghị cách tiếp cận toàn cầu, sử dụng vaccine hợp lý để ngừa Covid-19
WHO khuyến nghị cách tiếp cận toàn cầu, sử dụng vaccine hợp lý để ngừa Covid-19

VOV.VN - WHO hôm qua (13/8) nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang rất nguy hiểm, các quốc gia cần nỗ lực để đạt được cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch. 

WHO khuyến nghị cách tiếp cận toàn cầu, sử dụng vaccine hợp lý để ngừa Covid-19

WHO khuyến nghị cách tiếp cận toàn cầu, sử dụng vaccine hợp lý để ngừa Covid-19

VOV.VN - WHO hôm qua (13/8) nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang rất nguy hiểm, các quốc gia cần nỗ lực để đạt được cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch. 

Đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa: Giải pháp chống Covid-19 của Đông Nam Á?
Đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa: Giải pháp chống Covid-19 của Đông Nam Á?

VOV.VN - Cùng với nguồn vaccine đặt mua hoặc được tài trợ từ bên ngoài, một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa: Giải pháp chống Covid-19 của Đông Nam Á?

Đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa: Giải pháp chống Covid-19 của Đông Nam Á?

VOV.VN - Cùng với nguồn vaccine đặt mua hoặc được tài trợ từ bên ngoài, một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.