Vì sao hàng loạt cán bộ ở Đồng Nai vướng sai phạm đất đai, xây dựng?
VOV.VN - Chỉ trong tuần cuối tháng 9/2023, nhiều cán bộ là chuyên viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp địa phương tại tỉnh Đồng Nai bị khởi tố, tạm giam. Trước đó, tỉnh Đồng Nai cũng có hàng loạt cán bộ, cả đương chức và đã nghỉ hưu, vướng vào lao lý vì sai phạm đất đai, xây dựng. Nguyên nhân của việc này là gì và tỉnh Đồng Nai có biện pháp chấn chỉnh ra sao?
Dấu hỏi về buông lỏng quản lý
Tại TP Biên Hòa, ông Phan Thanh Sắc - nguyên Chủ tịch UBND phường An Hòa vừa bị khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Thời gian còn giữ chức vụ, ông Sắc đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, lãnh đạo điều hành tại địa phương, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền xây dựng trái phép, không phép phức tạp trên địa bàn.
Tại huyện Trảng Bom, hai cán bộ vừa bị khởi tố, bắt tạm giam là Nguyễn Văn Nhật Huy - chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện và Lương Quang Huy - nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện, nay là Chủ tịch UBND xã Giang Điền. Hai bị can trên đều liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).
Trước "vấn nạn" sai phạm đất đai, xây dựng, ông Thái Bảo - Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề: Qua công tác giám sát ở các địa phương này, những vụ việc nổi cộm đã đặt dấu hỏi về việc liệu địa phương có biết nhưng làm ngơ hay không? Có buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý thuộc trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở xã, phường?
"Nhiều nơi xây dựng không phép, trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích diễn ra ở một số nơi rất đáng báo động. Qua thanh tra trong quản lý đất đai, xây dựng một số nơi thấy chưa xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh." - ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Do sai phạm diễn ra phức tạp, Ban Thường vụ Huyện ủy Trảng Bom đã bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị kỷ luật. Trong đó có các cá nhân gồm ông Lê Tuấn Anh - Bí thư Huyện ủy, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và bà Vũ Thị Minh Châu - Chủ tịch UBND huyện.
Mới đây, 11 bị cáo từng là cán bộ, chuyên viên tại TP Biên Hòa phải ra hầu tòa do liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước. Trong đó có các cán bộ giữ chức vụ cao như Lê Viết Hưng - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Nguyễn Tấn Long - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa.
Đòi hỏi tầm nhìn trong quy hoạch
Nhìn từ quy hoạch, thực hiện quy hoạch của tỉnh Đồng Nai có thể thấy, hiện nay tỉnh đang gặp nhiều khó khăn bởi thiếu dự báo, thiếu tầm nhìn trong quá khứ. Từ việc thiếu quỹ đất khu công nghiệp, thiếu khu tái định cư cho giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm…cho đến sai phạm đất đai, xây dựng cũng có phần do quy hoạch không chặt chẽ, không bài bản, không đầy đủ.
Khi kiểm đếm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phường Phước Tân "phát hiện" 700 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Rõ ràng, do chất lượng và thực hiện quy hoạch nên việc sử dụng đất có phần tùy tiện, việc quản lý cũng rối rắm theo.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đặt câu hỏi: Những khu công nghiệp chậm giải phóng mặt bằng đến khi nào tiếp tục để có thêm không gian thu hút nhà đầu tư thứ cấp? Những dự án du lịch được đề xuất, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bao giờ được cấp phép?
Theo ông Lĩnh, tỉnh Đồng Nai vừa thông qua quy hoạch giữa kỳ giai đoạn 2021-2030, hiện đang là chặng cuối rất quan trọng. Ông Lĩnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương rà soát lại bản quy hoạch xem có chỗ nào cần bổ sung, điều chỉnh lại để tạo ra giá trị đẳng cấp cho Đồng Nai trong phát triển sắp tới: "Đòi hỏi tầm nhìn, đòi hỏi mọi sự tâm huyết gửi trong quy hoạch đó. Dẫn dắt sự phát triển của một địa phương hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, tầm nhìn và sự phát triển bền vững chứ không phải là cảm tính."
Ông Võ Tấn Đức - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đối với công tác quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: "Về vấn đề này, UBND tỉnh có chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành liên quan đeo bám, xin ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối tập hợp công tác này".
Đồng Nai đang bước vào kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công tác vô cùng quan trọng, quyết định sự bứt phá, tạo tiền đề cho tỉnh phát triển trong thời gian tới. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần hết sức tập trung cho công tác quy hoạch nhằm phát huy thế mạnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.