Vì sao tài sản tham nhũng, thất thoát thu hồi “nhỏ giọt”?
VOV.VN - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát trong thời gian qua còn thấp là do các biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi chưa kịp thời.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nhưng mới thu hồi được những khoản tiền bồi thường “nhỏ giọt”.
Như vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và đồng phạm phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng. Hay như bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong 2 vụ án. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam cũng mới chỉ thi hành xong 31 tỉ đồng trong tổng số bồi thường là 122 tỉ đồng, còn 91 tỉ đồng phải nộp chưa thu hồi được....
Biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi tài sản chưa kịp thời
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều cố gắng, tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng lên, tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn chưa đạt, tỷ lệ thu hồi số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn khá thấp.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này có nhiều, có thể từ thể chế, hay do năng lực chỉ đạo, điều hành, yếu tố con người... trong đó không thể không kể đến nguyên nhân do các biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi chưa kịp thời. Đối với cơ quan thi hành án, chỉ khi có bản án thì mới tiến hành thu hồi tài sản. Thế nhưng, trong cả giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nếu không có biện pháp đảm bảo thu hồi được tài sản thì sẽ rất khó xử lý.
“Như vụ Trịnh Xuân Thanh hay Đinh La Thăng, dù tài sản thu hồi rất lớn, nhưng không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu nên trong suốt quá trình thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử, ban hành bản án thì đối tượng đã tẩu tán, hoặc hợp thức hóa, chuyển dịch tài sản rất nhiều” – ông Đinh Văn Minh nêu dẫn chứng.
Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, công tác thi hành án liên quan đến nhiều thủ tục, thuộc nhiều cơ quan, bởi vì tài sản của các đối tượng phạm tội không chỉ có tiền, mà còn có thể là cổ phiếu, nhà đất và nhiều thứ khác. Việc kê biên, định giá tài sản, thẩm định giá... là cả một câu chuyện phức tạp, hơn nữa trình tự thủ tục hiện nay cũng khá rắc rối, bất hợp lý nên thời gian bị kéo dài.
Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thấp còn có nguyên nhân từ yếu tố con người, do trình độ, năng lực của cán bộ tham gia quá trình thu hồi không đạt, thậm chí không loại trừ cả biểu hiện tiêu cực.
“Có nguyên nhân từ thể chế, chỉ đạo điều hành, nguyên nhân từ con người khiến công tác thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn, mặc dù hiện nay tỷ lệ thu hồi đã tăng lên nhiều, như trước kia chỉ thu hồi được 5%, 7%, hiện nay thu hồi được gần 70%, tuy nhiên vẫn còn hơn 30% không thu hồi được là một con số rất cao. Như ông Đinh La Thăng phải nộp lại hơn 800 tỷ đồng trong 4 vụ án, nhưng ông ấy chỉ có một cái nhà 4,5 tỷ; như Trịnh Xuân Thanh mới thu hồi được 1/4, như vậy số còn lại là rất lớn” – ông Đinh Văn Minh cho biết.
Cùng bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty luật Hồng Bách và cộng sự cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp do việc thi hành án dân sự động chạm trực tiếp tới quyền sở hữu/sử dụng tài sản của người phải thi hành án nên đa phần người thi hành án cố tình không phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm việc thi hành án. Đặc biệt một số vụ việc thi hành án có giá trị lớn nên người thi hành án có biểu hiện chống đối, cố tình tạo ra các sự kiện tranh chấp để quá trình thi hành án diễn ra chậm, tạo điều kiện thuận lợi tìm thời cơ thích hợp để tẩu tán tài sản.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, các cơ quan có liên quan còn chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành án, nhiều vụ việc phải tạm dừng do có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền do đương sự trong vụ án làm đơn đề nghị xem xét Bản án/quyết định của Tòa đã có hiệu lực thi hành theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới lượng án chưa được thi hành còn lớn. Đặc biệt, trong quá trình thi hành án còn không được sự phối hợp của các doanh nghiệp có liên quan.
“Do thi hành án liên quan đến các tài sản là các khoản tiền/tài sản không phải đăng ký nên người phải thi hành án rất nhanh tẩu tán tài sản của mình cho người khác, nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án. Hay nói cách khác do đặc điểm của tài sản phải thi hành án là các tài sản dễ đưa vào các giao dịch dân sự. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án không đạt hiệu quả cao” – luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích.
Kiểm soát được các giao dịch lớn
Đề cập đến Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư vừa được ban hành, ông Đinh Văn Minh cho biết, Chỉ thị có nhiều yêu cầu mới như rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Đối với các vụ hình sự về tham nhũng, kinh tế hiện nay vấn đề quan tâm đầu tiên là tài sản, phải biết được tài sản của các đối tượng phạm tội cất giấu chỗ nào, tẩu tán ở đâu, tài sản gì thu được ngay... những vấn đề này luật pháp đều cho phép làm.
Đặc biệt, vấn đề ngăn chặn tẩu tán tài sản rất quan trọng, các cơ quan có thẩm quyền hay các cơ quan, tổ chức khác như ngân hàng, nhà đất... phải có sự phối hợp với nhau, có thể chưa thu được tài sản ngay nhưng phải kiểm soát để tài sản không bị tẩu tán và hợp thức hóa.
Cũng theo ông Đinh Văn Minh, hiện nay quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiều điểm mới, trong đó có quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn khi một người nào đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi bản án hình sự có hiệu lực thì lúc đó các tài sản của bị cáo đã bị ngăn chặn, phong tỏa. Chỉ thị 04 cũng nhấn mạnh việc áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, tránh tẩu tán, chuyển dịch, hay hợp thức hóa tài sản tham nhũng.
Đối tượng tham nhũng thường là những người có chức, có quyền nên thường có kinh nghiệm, mưu mô, thậm chí họ dùng quyền lực để bảo toàn tài sản đã chiếm đoạt được, song ông Đinh Văn Minh cho rằng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, các giải pháp của từ quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước phải đồng bộ, mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề này.
Theo đó, cần tăng cường kiểm soát, quản lý đối với cán bộ công chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn cao. Đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ngay trong cuộc sống hàng ngày, nếu cán bộ có biểu hiện sống xa hoa, phô trương, lãng phí, có biểu hiện chạy chức, chạy quyền... thì tổ chức, đơn vị phải kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu.
Không chỉ quản lý cán bộ mà hiện nay còn phải quản lý dòng tiền, hạn chế tối đa các giao dịch tiền mặt, buộc phải thông qua tài khoản, như thế mới kiểm soát được. Bởi thực tế, không có chuyện các đối tượng mang mấy chục triệu USD đi biếu nhau, mà chuyển khoản hoặc qua các giao lịch lớn. Do đó, những giao dịch này phải đặt dưới sự kiểm soát.
Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện các quyền của mình, nhưng Nhà nước cũng cần có các biện pháp để kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn ngay những biểu hiện không lành mạnh. Như ở nước ngoài, các giao dịch lớn thường kiểm soát được hết để ngăn chặn việc tài trợ tiền cho khủng bố, ngăn chặn việc rửa tiền, ngăn chặn tham nhũng.
“Chúng ta vừa quản lý con người, vừa quản lý các dòng tiền, quản lý các giao dịch và nhiều biện pháp khác, thì khi đó mới bảo đảm tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn, những biểu hiện bất minh trong quá trình gia tăng tài sản một cách bất thường được cơ quan chức năng kiểm soát, từ đó làm rõ hành vi vi phạm, có căn cứ để xử lý về mặt con người cũng như về mặt tài sản” – ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh./.