Vì sao tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu giảm vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra?
VOV.VN - Lai Châu đã thiết kế nhiều chương trình, giải pháp,... tương đối đồng bộ nhằm nâng cao năng lực khả năng tiếp cận của hộ nghèo, hộ cận nghèo về các dịch vụ phát triển sản xuất.
Sáng mai ( 22/10) Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kì 2020-2025 sẽ chính thức khai mạc. Sau hơn 15 năm chia tách, thành lập tỉnh mới, đặc biệt qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, địa phương miền núi biên giới này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, nhất là thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 4,78%, trong khi Nghị quyết đề ra giảm mỗi năm từ 3-4%. Đây là tiền đề quan trọng, tạo sức bật để Lai Châu thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hết hộ nghèo.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kì 2015-2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 02 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó phấn đấu trung bình mỗi năm giảm từ 3-4% tỷ lệ hộ nghèo; có 2 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo…
Để đạt được mục tiêu này, Lai Châu tiếp tục củng cố tổ chức Đảng ở các xã nghèo sao cho đủ năng lực để lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm được các cấp, ngành hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm “ tỉnh nắm xã, huyện nắm bản, xã nắm từng hộ dân”.
Ông Trần Đỗ Công, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết, trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh triển khai đồng bộ như chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo theo chương trình 30a, chương trình 135, hỗ trợ y tế, giáo dục, hỗ trợ tín dụng hộ nghèo...
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai các dự án, đề án nhằm phát triển kinh tế- xã hội vùng đặc biệt khó khăn như: hỗ trợ vốn, giống, vật tư cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng các mô hình trình diễn nhằm nâng cao đời sống nhân dân, ông Công chia sẻ.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định số 31/2016 phê duyệt chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí thực hiện gần 4.600 tỷ đồng. Chương trình được thiết kế với giải pháp và cơ chế chính sách tương đối đồng bộ nhằm nâng cao năng lực khả năng tiếp cận của hộ nghèo, hộ cận nghèo về các dịch vụ phát triển sản xuất, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Chị Lò Thị Thương ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên phấn khởi cho hay: Trước đây gia đình rất khó khăn vì thiếu vốn làm ăn. Khi có chính sách cho vay hộ nghèo, gia đình đã vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện được 30 triệu đồng. Có vốn, gia đình đầu tư chăn nuôi đàn gia súc. Nay gia đình vay thêm để trồng vườn ổi, táo, quýt để kinh tế gia đình phát triển hơn.
Nhằm tạo việc, làm tăng thêm thu nhập cho người dân, các địa phương từ huyện khó đến huyện khá đã xây dựng phương hướng sản xuất cho từng vùng, từng xã, bản và từng gia đình theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý vừa thuận tiện sản xuất, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mường Tè cho biết, Mường Tè là vùng lõi nghèo của tỉnh Lai Châu, trong đó vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ là vùng lõi nghèo của huyện. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với HĐND tỉnh khảo sát kỹ về đời sống, văn hóa, giáo dục, y tế... vùng đồng bào Mảng và La Hủ; đồng thời có chương trình hành động sát với thực tế, cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh.
Đối với nhóm đồng bào dân tộc có chỉ số nghèo cao, trước hết huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cấp ủy chính quyền thực hiện tốt các chương trình dự án nhà nước hỗ trợ cho nhân dân phải đảm bảo hiệu quả; tổ chức thực hiện tốt các mô hình phát triển, đặc biệt là thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để bà con sản xuất mang tính bền vững, ông Hiển nói.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục được thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm bình quân 4,78%; trong đó các huyện nghèo là 5,44%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2018, 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên đã ra khỏi danh sách huyện nghèo; đến cuối năm 2019 có 15/75 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước đến cuối năm 2020 còn 16,5%.
Những kết quả trên là minh chứng cụ thể cho hiệu quả rõ rệt từ xây dựng, đến triển khai Nghị quyết của cấp ủy các cấp ở Lai Châu trong nhiệm kỳ qua./.