Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy
VOV.VN - Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 14 cấp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong, diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu chính thức từ 6 nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị có đồng chí Vương Tiểu Hồng, Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống ma túy Trung Quốc chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá trong 30 năm qua, cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong (MOU) về phòng, chống ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các nước thành viên.
Trong khuôn khổ MOU ký năm 1993, UNODC và các nước thành viên đã cùng nhau xây dựng, thông qua và thực hiện các Kế hoạch hành động tiểu vùng về phòng, chống ma túy, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Thực hiện trách nhiệm thành viên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách tầm vĩ mô với những mục tiêu dài hạn, trong đó có Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021-2025 và chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn tầm nhìn đến năm 2030.
Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Việt Nam cũng đã triển khai việc lồng ghép nội dung các kế hoạch và sáng kiến hợp tác chung của cơ chế hợp tác MOU 1993 vào chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý, trong đó, dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa.
Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam đang đổi mới triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, công tác xác định tình trạng nghiện và quản lý sau cai nghiện; quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, kịp thời bổ sung các chất ma túy và tiền chất theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc và phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để giải quyết vấn đề ma túy; luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác của khu vực cũng như các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế.
Việt Nam ủng hộ quan điểm không khoan nhượng với ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma túy, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy trên nguyên tắc của 03 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ma túy thách thức nghiêm trọng tinh thần thượng tôn pháp luật
Phó Thủ tướng nêu rõ thời gian gần đây tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ở khu vực và trên thế giới diễn biến rất phức tạp; hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, đặc biệt là ma tuý tổng hợp tiếp tục gia tăng; tội phạm ma túy gia tăng các hoạt động phạm tội cả về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Số người sử dụng ma tuý tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023, tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15-64, tăng trung bình 23% sau 10 năm.
Trong khi đó công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma tuý vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, đặc biệt là điều trị cho người sử dụng ma tuý tổng hợp.
Thực trạng trên cho thấy tội phạm và tệ nạn ma túy đang là thách thức nghiêm trọng đối với tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề mang tính quốc tế, một quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết; đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, phương pháp tiếp cận toàn diện, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; hợp tác trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ và cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Tăng cường hợp tác vì một khu vực không ma túy
Để ứng phó kịp thời với những thách thức đặt ra từ tình hình ma túy, Phó Thủ tướng cho rằng các nước thành viên cần tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong quan điểm, lập trường đối với chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu, tích cực đóng góp tiếng nói vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Các nước thành viên cần xác định các Công ước quốc tế về vấn đề ma túy là nguyên tắc, nền tảng cho các chiến lược, chính sách toàn cầu và các nỗ lực hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; ủng hộ vai trò của Ủy ban ma túy Liên Hợp Quốc trong hoạch định chính sách về phòng, chống ma túy.
Các nước thành viên cần nâng cao chất lượng trao đổi thông tin qua cơ quan đầu mối; hỗ trợ nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung, đấu tranh chuyên án chung, nâng cao năng lực tác chiến xuyên quốc gia đấu tranh với tội phạm về ma túy, đặc biệt ở các địa phương có chung đường biên giới.
Phó Thủ tướng mong muốn UNODC tiếp tục phát huy vai trò xây dựng các chương trình hợp tác khu vực và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn lực; kêu gọi sự hỗ trợ và xây dựng các chương trình, sáng kiến hợp tác phòng, chống ma túy có hiệu quả trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm và cam kết tăng cường hợp tác với UNODC, các nước tiểu vùng sông Mekong và trên thế giới về phòng chống ma túy để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung: vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không ma túy.
Tại hội nghị, các bên đã điểm lại tiến trình hợp tác phòng chống ma túy của khu vực 30 năm qua, tổng kết và chia sẻ những kinh nghiệm quý của mỗi nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong phòng chống ma túy.
Hội nghị cũng đã thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 12, Tuyên bố chung Bắc Kinh và Sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết vấn đề ma tuý tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Nội dung của Tuyên bố chung tập trung vào đánh giá tình hình tội phạm ma túy ở tiểu vùng; những khó khăn, thách thức và cam kết của các nước trong thực hiện các hoạt động phòng, chống ma túy ở tiểu vùng.
Trong khi đó, Sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết vấn đề ma tuý tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mekong đưa ra những giải pháp cụ thể với sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động hành pháp, kiểm soát hóa chất, giám định ma túy.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi thăm Trung tâm dịch vụ hành chính công của thành phố Bắc Kinh, chính thức đi vào vận hành từ tháng 11/2015.
Trung tâm hoạt động theo mô hình một cửa, bao gồm 61 cơ quan, đơn vị của thành phố, với hơn 1.100 nhân viên cung cấp hơn 2.500 dịch vụ công, bao gồm cả những dịch vụ công cho người nước ngoài như xin cấp giấy phép lao động và giấy phép cư trú.