Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào ASEM 8

Sáng 6/10, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Chính phủ Việt Nam đã rời Brussel về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8).

<< Bế mạc Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 8
<< Việt Nam cam kết hợp tác vì phát triển bền vững
<< Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Khai mạc Hội nghị ASEM 8

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng đã trả lời phóng viên đi theo đoàn về kết quả chuyến tham dự ASEM 8 của đoàn Việt Nam.

PV: Trải qua 14 năm kể từ khi thành lập, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã khẳng định được vai trò cầu nối quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Dư luận trông đợi Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8, tổ chức ngày 4 - 5/10/2010 tại Brussel, tiếp tục đóng góp tích cực vào hợp tác ASEM và nâng cao vị thế của Diễn đàn. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Hội nghị?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Hội nghị cấp cao ASEM 8 diễn ra vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế thành viên Á – Âu bước đầu phục hồi sau khủng hoảng. Cả thế giới đang tích cực chuẩn bị để bước vào một giai đoạn phát triển mới hậu khủng hoảng, bước vào một thập kỷ mới trong thiên niên kỷ thứ hai.

Các thành viên ASEM đều ý thức rõ cần tăng cường hợp tác để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh đó, với chủ đề rất thiết thực là “Nâng cao chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân”, Hội nghị đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trước hết, các nhà lãnh đạo ASEM đã thông qua hai văn kiện Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về “Hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố của Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, tài chính toàn cầu.

Hội nghị nhất trí cần phối hợp chính sách kinh tế, tài chính để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững, đồng đều hơn và nỗ lực cải tổ các thể chế tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Cuộc đối thoại cởi mở, thiết thực và sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo ASEM với các đại diện của Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 12 đã làm tăng thêm nhận thức về sự cần thiết phải gắn kết chặt chẽ giữa các chính phủ với giới doanh nghiệp trong những nỗ lực trên.

Thứ hai, Hội nghị đã nhất trí cần nỗ lực hướng tới các mô hình phát triển bền vững, trên cơ sở 3 thành tố gắn kết chặt chẽ, đó là phát triển kinh tế phải đi liền với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Hội nghị kêu gọi đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, hướng tới chuyển dịch sang các hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Á-Âu toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi.

Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và hoan nghênh nỗ lực của G20 tập trung vào tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển và giảm nghèo.

Thứ ba, việc kết nạp Nga, Australia và New Zeland tại Hội nghị ASEM 8 đánh dấu đợt mở rộng thành viên lần thứ ba của ASEM, tăng cường tiềm năng hợp tác cũng như vị thế của Diễn đàn.

Từ 26 thành viên sáng lập, sau 14 năm, nay ASEM đã có gần gấp đôi số thành viên, trở thành đại gia đình của 48 thành viên đại diện khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu.

ASEM còn có 4 thành viên tham gia nhóm 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, 12 thành viên trong Nhóm G20 và có tiếng nói quan trọng tại nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.

Thứ tư, Hội nghị đã thông qua 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, quản lý rừng, nghiên cứu và phát triển nguồn nước, giáo dục…, và nhất trí sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành , nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.

Triển lãm văn hóa  “2.500 năm giao lưu Á – Âu” được tổ chức tại Brussel từ tháng 6 đến nay thiết thực góp phần tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa nhân dân của hai châu lục, thể hiện bản sắc và sự sống động của ASEM.

PV: Là một trong những thành viên sáng lập của ASEM, đặc biệt với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đóng góp như thế nào cho thành công của Hội nghị Cấp cao ASEM 8?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp rất thiết thực vào kết quả Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tại Hội nghị, Thủ tướng nước ta đã nêu bật những đóng góp quan trọng của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng đối với mọi vấn đề được ASEM quan tâm.

Là một trong những nhà lãnh đạo được mời phát biểu đầu tiên về chủ đề phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm đưa ASEM trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững như việc tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển và các mô hình tăng trưởng bền vững, thực hiện an sinh xã hội đối với những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững ở cấp độ tiểu khu vực và khu vực đang được triển khai tại hai châu lục.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất hai sáng kiến mới về việc tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội.” Cả hai sáng kiến này được nhiều thành viên như Anh, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Hàn Quốc đánh giá cao, tham gia đồng tác giả, và đã được Hội nghị nhất trí thông qua.

Một đóng góp nổi bật nữa của Việt Nam tại Hội nghị lần này là việc chúng ta tích cực góp phần tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt là với Liên minh châu Âu. Các thành viên châu Âu đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, hoan nghênh các nỗ lực vừa qua của ASEAN xây dựng một Cộng đồng tự cường, năng động và bền vững, và coi trọng tiềm năng hợp tác giữa hai châu lục trong các khuôn khổ hợp tác sông Mê Công.

Bên cạnh những đóng góp trên, chúng ta còn tích cực tham gia các sự kiện quan trọng hướng tới Hội nghị Cấp cao, mà nổi bật là Triển lãm văn hóa "2500 giao lưu Á-Âu.” Tại đây, chúng ta đã tham gia trưng bày hơn 30 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý và có ý nghĩa lớn về lịch sử và văn hóa như trống đồng Đông Sơn, bình gốm Sa Huỳnh, các tác phẩm điêu khắc đá Chăm-pa từ thế kỷ X, các tượng Phật cổ từ thế kỷ thứ XI và XII…

Sự tham gia của ta tại cuộc Triển lãm này góp phần làm cho bạn bè hiểu hơn về một Việt Nam với bề dày lịch sử, nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc. Càng có ý nghĩa hơn khi sự kiện này diễn ra đúng vào dịp chúng ta đang tưng bừng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm cho Việt Nam chúng ta trở nên rất đẹp, rất văn hóa trong mắt bạn bè quốc tế.

PV: Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên của Đoàn đại biểu nước ta đã tiếp xúc và gặp gỡ nhiều lãnh đạo các thành viên ASEM. Xin ông cho biết các cuộc gặp này đã đóng góp như thế nào vào việc củng cố và tăng cường quan hệ của nước ta với các đối tác?

Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng
Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng: Chỉ trong vòng chưa đầy 2 ngày, một khoảng thời gian khá ngắn ngủi, nhưng chương trình làm việc của Thủ tướng và Đoàn ta dày đặc. Có 6 phiên họp và khoảng 20 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Thủ tướng và các thành viên chính thức của Đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với nhiều vị Thủ tướng và lãnh đạo thành viên ASEM, trong đó có nước chủ nhà Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Áo, Phần Lan, Anh, Luxembourg, Estonia, Australia, Slovenia và Chủ tịch Ủy ban châu Âu… nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Những thỏa thuận cụ thể đạt được tại các cuộc tiếp xúc này mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ của ta với các đối tác và chính sách phát triển của Việt Nam, đặt nền tảng cho quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài với các thành viên châu Âu.

Với Liên minh châu Âu, ta đã ký tắt Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), tạo cơ sở cho “quan hệ đối tác bình đẳng, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện vì hòa bình và phát triển” và nhất trí nỗ lực để sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương.

Với Hà Lan, hai Thủ tướng đã ký Hiệp định đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, tạo khuôn khổ quan trọng giúp ta từng bước giải quyết những vấn đề lớn như  tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tiếp theo những khuôn khổ mà chúng ta đã xây dựng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Australia, New Zeland… những thỏa thuận mới nhất với EU đã góp phần đưa quan hệ 2 bên lên tầm cao mới. 

Thêm một lần nữa, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao đa phương và song phương của Đoàn đại biểu nước ta đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, đồng thời đưa quan hệ của nước ta với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu ổn định và bền vững.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên